Công ty không giảm giờ làm cho lao động sắp nghỉ hưu là đúng hay sai?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 22/03/2019

Gửi ban hỗ trợ tư vấn luật:

Phía người lao động của chúng tôi có thắc mắc về quy định của luật liên quan đến chế độ nghỉ ngơi 1 giờ trước khi nghỉ hưu, nhờ quý thư viện hỗ trợ giải đáp như sau:

1. Người lao động là nữ, đến tháng 9 năm 2019 sẽ tròn 55 tuổi.

2. Thời gian đóng BHXH: đã đóng từ năm 2002, vậy là đã được 17 năm => như vậy là chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu để có thể lĩnh lương hưu.

Thông thường với các nhân viên khác mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã đủ thì công ty bố trí cho người lao động được nghỉ 1 giờ/1 ngày trong vòng 1 năm trước khi nghỉ hưu (Nam từ 59 tuổi, Nữ từ 54 tuổi).

Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động nêu trên, thì bên Nhân sự không đồng ý bố trí cho người lao động nghỉ 1 giờ/ngày. Lý do mà bên nhân sự đưa ra là do người lao động trên có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ để nghỉ hưu.

Như vậy, tôi muốn hỏi việc công ty không bố trí cho người lao động nghỉ 1 giờ/ngày trong vòng 1 năm trước khi người đó nghỉ hưu ở tuổi 55 là đúng hay sao? Có cơ sở pháp luật nào cho việc đó không?

    • Tại Khoản 3 Điều 166 Bộ luật lao động 2012 có quy định như sau:

      "Điều 166. Người lao động cao tuổi

      3. Năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, người lao động được rút ngắn thời giờ làm việc bình thường hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian."

      Và tại Khoản 10 Điều 3 Nghị định 45/2013/NĐ-CP cũng có quy định như sau:

      "Điều 3. Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương

      10. Thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 01 giờ đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu."

      Như vậy: Căn cứ các quy định được trích dẫn trên đây thì có thể thấy pháp luật quy định năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, người lao động sẽ được rút ngắn thời giờ làm việc bình thường ít nhất 01 giờ/ngày.

      Mặt khác, theo quy định tại Điều 187 Bộ luật lao động 2012 thì người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

      Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định.

      Hoặc, trường hợp người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định trên.

      Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì người lao động sẽ được nghỉ hưu (được nghỉ việc hưởng lượng hưu) khi đáp ứng đủ 02 điều kiện:

      - Điều kiện thứ nhất: Bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

      - Điều kiện thứ hai: Đáp ứng về độ tuổi theo quy định của pháp luật.

      Khi xác định người lao động đủ điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội để được nghỉ hưu, thì năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, người lao động sẽ được rút ngắn thời giờ làm việc bình thường ít nhất 01 giờ/ngày.

      Do đó: Đối với trường hợp mà bạn cung cấp thì lao động nữ tuy đáp ứng điều kiện về tuổi nghỉ hưu (55 tuổi) nhưng không đáp ứng được điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (mới chỉ tham gia được 17 năm), chưa đáp ứng đủ điều kiện để được giải quyết chế độ rút ngắn thời giờ làm việc bình thường ít nhất 01 giờ/ngày.

      Nên việc bên nhân sự của công ty không bố trí cho người lao động nghỉ 1 giờ/ngày trong vòng 1 năm trước khi người lao động đó đủ 55 tuổi là phù hợp với quy định.

      Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn