Công ty tổ chức khám sức khỏe 01 năm 02 lần thì 02 lần này có bắt buộc phải khám phát hiện bệnh nghề nghiệp không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 12/12/2022

Công ty tổ chức khám sức khỏe 01 năm 02 lần thì 02 lần này có bắt buộc phải khám phát hiện bệnh nghề nghiệp không? Lao động nữ khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp có cần phải khám phụ sản không? Hồ sơ khám phát hiện bệnh hiểm nghề nghiệp bao gồm những giấy tờ gì?

Chào Ban biên tập, tôi có vấn đề cần được giải đáp. Tôi là lao động nữ, hiện tại tôi đang làm công việc đóng thùng Phốt pho vàng. Công ty sẽ tổ chức khám sức khỏe 2 lần trong 1 năm thì cho tôi hỏi trong 2 lần này có bắt buộc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp không? Nếu có khám phát hiện bệnh nghề nghiệp thì tôi có phải khám phụ sản luôn không?

Rất mong được Ban biên tập giải đáp, tôi cảm ơn.

    • Công ty tổ chức khám sức khỏe 01 năm 02 lần thì 02 lần này có bắt buộc phải khám phát hiện bệnh nghề nghiệp không?

      Tại Điều 6 Thông tư 28/2016/TT-BYT quy định đối tượng khám phát hiện bệnh nghề nghiệp như sau:

      1. Đối tượng phải khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này.

      2. Người lao động không thuộc Khoản 1 Điều này chuyển sang làm nghề, công việc có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.

      Theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư 28/2016/TT-BYT quy định đối tượng áp dụng như sau:

      1. Người lao động tiếp xúc với các yếu tố có hại có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp hoặc làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kể cả người học nghề, tập nghề, người lao động đã nghỉ hưu hoặc người lao động đã chuyển công tác không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp hoặc người lao động tham gia bảo hiểm xã hội quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng.

      Căn cứ Điều 7 Thông tư 28/2016/TT-BYT quy định thời gian khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau:

      1. Thời gian khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Luật an toàn vệ sinh lao động.

      2. Đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nghề nghiệp cấp tính hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người lao động thì thời gian khám phát hiện bệnh nghề nghiệp theo đề nghị của tổ chức hoặc cá nhân yêu cầu.

      Tại Khoản 1 Điều 21 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau:

      1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.

      Như vậy, đối với nghề nghiệp hiện tại của bạn là đóng thùng Phốt pho vàng (đây là nghề thuộc danh mục nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH).

      Theo những quy định trên người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được công ty tổ chức khám sức khỏe ít nhất 06 tháng 1 lần (tức là 02 lần 01 năm) và thời gian khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cũng giống với thời gian khám sức khỏe.

      Do đó, khi công ty tổ chức khám sức khỏe cho bạn 02 lần trong 01 năm thì cả 02 lần đấy đều bắt buộc phải khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho bạn.

      Lao động nữ khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp có cần phải khám phụ sản không?

      Theo Khoản 2 Điều 9 Thông tư 28/2016/TT-BYT quy định nội dung khám phát hiện bệnh nghề nghiệp như sau:

      a) Khai thác đầy đủ các thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình, thời gian tiếp xúc yếu tố có hại có thể gây bệnh nghề nghiệp để ghi phần tiền sử tiếp xúc nghề nghiệp trong sổ khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp;

      b) Khám đầy đủ nội dung theo quy định tại Phụ lục 4ban hành kèm theo Thông tư này và các chuyên khoa để phát hiện bệnh nghề nghiệp trong Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm quy định tại Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Bộ Y tế quy định bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội;

      c) Đối với lao động nữ phải khám thêm chuyên khoa phụ sản;

      d) Thực hiện các xét nghiệm khác liên quan đến yếu tố có hại trong môi trường lao động (nếu cần);

      đ) Trường hợp người lao động đã được khám sức khỏe định kỳ theo Thông tư 14/2013/TT-BYT thì sử dụng kết quả khám sức khỏe còn giá trị và thực hiện khám bổ sung các nội dung còn lại theo quy định tại điểm b, điểm d Khoản 2 Điều này;

      e) Đối với những bệnh nghề nghiệp không nằm trong Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội phải khám đầy đủ các chuyên khoa theo chỉ định của bác sỹ khám bệnh nghề nghiệp.

      Do đó, khi công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động và có khám phát hiện bệnh nghề nghiệp thì lao động nữ phải khám thêm chuyên khoa phụ sản. Bạn là lao động nữ và bạn thuộc đối tượng khám phát hiện bệnh nghề nghiệp nên bạn sẽ phải khám thêm phụ sản.

      Hồ sơ khám phát hiện bệnh hiểm nghề nghiệp bao gồm những giấy tờ gì?

      Căn cứ Điều 8 Thông tư 28/2016/TT-BYT quy định hồ sơ khám phát hiện bệnh nghề nghiệp như sau:

      1. Phiếu khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp người lao động đã làm việc trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì sử dụng kết quả khám sức khỏe gần nhất.

      2. Sổ khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

      3. Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau:

      a) Kết quả thực hiện quan trắc môi trường lao động. Đối với trường hợp người lao động có tiếp xúc với yếu tố vi sinh vật trong môi trường lao động mà việc quan trắc môi trường lao động được thực hiện trước ngày Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động có hiệu lực thì hồ sơ phải có thêm Phiếu đánh giá tiếp xúc yếu tố vi sinh vật do cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày 01 tháng 7 năm 2016;

      b) Biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 5ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp bị bệnh nghề nghiệp cấp tính mà tại thời điểm xảy ra bệnh nghề nghiệp cấp tính chưa kịp xác định được mức tiếp xúc yếu tố có hại;

      4. Bản sao hợp lệ giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án bệnh có liên quan đến bệnh nghề nghiệp (nếu có).

      Trên đây là những giấy tờ cần phải chuẩn bị trong hồ sơ khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn