Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và nghĩa vụ bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 05/09/2016

Tôi làm việc cho Trung tâm Quốc tế Việt Mỹ, Nha Trang từ 15/3/2010 đến 17/7/2010, trong quá trình đó Trung tâm không ký hợp đồng lao động với tôi. Tuy nhiên, khi về làm việc công ty hỗ trợ cho tôi 20 triệu đồng và soạn sẵn 1 bản cam kết, chỉ 1 mình tôi ký, trong đó có câu “Hợp đồng làm việc 5 năm”, không nói thời hạn 5 năm từ năm nào đến năm nào. Tháng 6 và 7/2010 công ty trả lương không đầy đủ nên tôi viết đơn xin nghỉ ngày 17/7/2010 thì ngày 18/7/2010 theo lệnh Giám đốc, có 1 Phó Giám đốc, Phó phòng nhân sự và 2 bảo vệ không cho tôi vào làm việc. Như vậy công ty có đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với tôi không? Công ty khởi kiện tôi ra tòa, và tòa sơ thẩm tuyên tôi đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và phải bồi thường 45 ngày công. Tôi không đồng ý vì Bản cam kết không thể được xem như 1 hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Trường hợp tôi được hiểu thế nào, xin được tư vấn giúp, tôi xin trân trọng cảm ơn!

    • Theo bạn trình bày thì bạn đã ký một cam kết làm việc cho Trung tâm Quốc tế Việt Mỹ, Nha Trang. Trong cam kết này có nội dung “hợp đồng làm việc 5 năm”. Thực tế bạn đã làm việc cho Trung tâm này và Trung tâm đã tiếp nhận bạn làm việc, trả lương cho bạn. Bạn đã viết đơn xin nghỉ việc với lý do là Trung tâm không trả lương đầy đủ.

      Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP thì hợp đồng được ký kết bằng văn bản giữa người lao động và người sử dụng lao động, theo mẫu quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Do đó, việc ký một cam kết như vậy là không đúng quy định pháp luật về hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, về thời hạn của Hợp đồng, việc ký với thời hạn 5 năm là không phù hợp với quy định tại Điều 27 Bộ luật Lao động và Điều 4 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều về hợp đồng lao động. Hợp đồng lao động của bạn thuộc trường hợp hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

      Vì bạn đã viết đơn xin nghỉ việc, như vậy, bạn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động, bạn có nghĩa vụ thông báo trước cho người sử dụng lao động 45 ngày. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người sử dụng không cần phải đợi đến hết 45 ngày mới có quyền chấp nhận việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn. Người sử dụng lao động có thể đồng ý cho bạn chấm dứt hợp đồng lao động ngay sau khi nhận được đơn xin nghỉ việc của bạn và bạn có quyền đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động sớm hơn so với ngày mà bạn nêu trong thông báo. Trong trường hợp bạn không đồng ý chấm dứt sớm hơn theo đề nghị của người sử dụng lao động, người sử dụng lao động không được ngăn cản bạn làm việc theo hợp đồng lao động đã ký cho đến ngày mà bạn dự định chấm dứt hợp đồng lao động. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ giải quyết các chế độ cho bạn (nếu có) theo quy định của pháp luật và thỏa ước lao động tập thể. Nếu bạn đã thực hiện đúng nghĩa vụ thông báo trước 45 ngày, công ty không có quyền không cho bạn vào công ty để thực hiện công việc khi chưa hết hạn 45 ngày đó.

      Như vậy, trường hợp này, không phải công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn mà là bạn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với công ty. Tòa án sơ thẩm đã xác định đúng là hợp đồng của bạn là hợp đồng lao động không xác định thời hạn và bạn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

      Bạn có nêu là tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên bạn phải bồi thường số tiền tương ứng với 45 ngày công. Theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Bộ luật Lao động thì “Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước, bên vi phạm phải bồi thường cho bên kia một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước”. Theo khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động đã nêu, bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải thông báo trước 45 ngày. Vì bạn không trình bày rõ là ngày mà bạn nghỉ việc là ngày nào, đã thông báo trước bao nhiêu ngày nên chúng tôi không thể xác định được bạn có vi phạm nghĩa vụ về thời hạn thông báo trước hay không và khoản tiền mà bạn phải bồi thường tương ứng với bao nhiêu ngày lương. Trong trường hợp bạn vi phạm thời hạn báo trước là 45 ngày, bạn phải bồi thường một khoản tiền tương đương 45 ngày lương của bạn.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn