Ép nhân viên đi làm ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5 sẽ bị xử lý thế nào?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 29/04/2019

Xin cho hỏi: Sắp tới kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 công ty có yêu cầu nhân viên đi làm vào các ngày này nhưng nhân viên trong công ty không đi thì có được không ạ? Nếu công ty cứ ép nhân viên đi làm vào kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 thì có cách nào giải quyết không ạ? Có báo chính quyền phạt công ty được không ạ?

    • Ép nhân viên đi làm ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5 sẽ bị xử lý thế nào?
      (ảnh minh họa)
    • Theo quy định tại Bộ luật lao động 2012 thì trong những ngày nghỉ lễ 30/4 (ngày Chiến thắng), 01/5 (ngày Quốc tế lao động) người lao động sẽ được nghỉ làm hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật.

      Trường hợp người sử dụng lao động muốn huy động người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ 30/4, 01/5 thì cần phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

      - Được sự đồng ý của người lao động;

      - Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

      - Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

      Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì nếu người sử dụng lao động muốn huy động người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ 30/4, 01/5 thì bắt buộc phải có sự đồng ý của người lao động.

      Đồng nghĩa, người sử dụng lao động không được cưỡng bức, ép buộc người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ 30/4, 01/5 nếu người lao động không đồng ý, trừ các trường hợp sau đây thì người lao động không được từ chối đi làm vào ngày nghỉ lễ 30/4, 01/5:

      (1) Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;

      (2) Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.

      Do đó: Có thể xác định mọi hành vi ép buộc người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ 30/4, 01/5 khi người lao động không đồng ý và không thuộc một trong 2 trường hợp kể trên thì đều bị coi là trái pháp luật. Khi đó, người sử dụng pháp luật sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

      Theo đó, theo quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP thì trường hợp người sử dụng lao động có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động (trừ trường hợp thuộc một trong 2 trường hợp kể trên) sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

      Trường hợp người sử dụng lao động huy động người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ 30/4, 01/5 quá 12 giờ trong 01 ngày thì bị phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

      Ngoài ra, đối với người sử dụng lao động huy động người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ 30/4, 01/5 quá 12 giờ trong 01 ngày còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng.

      Do đó: Đối với trường hợp sắp tới kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 công ty có yêu cầu nhân viên đi làm vào các ngày này, nếu như nhân viên của công ty không muốn thì có thể từ chối. Công ty không được ép buộc nhân viên của mình đi làm vào ngày nghỉ lễ 30/4, 01/5.

      Nếu công ty có hành vi ép buộc nhân viên của mình đi làm vào ngày nghỉ lễ 30/4, 01/5 thì sẽ bị xử phạt theo quy định kể trên. Cụ thể là có thể bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng và có thể bị đình chỉ hoạt động đến 03 tháng.

      Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn