Giai đoạn thử việc theo quy định của pháp luật

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 13/09/2016

Tôi mới mở một của hàng bán đồ ăn nhanh. Hiện tại, tôi đang có nhu cầu tuyển một số lượng nhân viên nhất định để làm việc cho cửa hàng. Nhưng tôi muốn được cho họ thử việc trước để đánh giá khả năng mỗi người. Rất mong luật sư tư vấn cho tôi về giai đoạn thử việc được quy định trong pháp luật ra sao.

    • Như chúng ta đều biết, không chỉ ở riêng một mình cơ sở kinh doanh của bạn mà còn ở hầu hết những cơ sở có sử dụng lao động khác, hoạt động thử việc là một giai đoạn thiết yếu và phổ biến trong quá trình tuyển dụng của người sử dụng lao động nhằm đảm bảo sự phù hợp về kĩ năng, kinh nghiệm cũng như cách làm việc của người lao động với môi trường nơi họ làm việc. Tuy nhiên, việc nắm rõ những quy định của pháp luật về vấn đề này của nhiều người sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế. Sau đây, chúng tôi sẽ trình bày các quy định của Bộ Luật lao động 2012 về giai đoạn thử việc giữa người lao động và người sử dụng lao động.

      Thứ nhất, về nội dung hợp đồng thử việc (Điều 26 – Bộ luật Lao động). Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời hạn thử việc. Nội dung thỏa thuận cần có:
      - Tên, địa chỉ người sử dụng lao động.
      - Họ tên, ngày sinh, giới tính, địa chỉ, số CMND người thử việc.
      - Công việc và địa chỉ làm việc.
      - Thời hạn của hợp đồng (thời hạn thử việc).
      - Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương và các khoản khác.
      - Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
      - Trang bị, bảo hộ lao động.

      Thứ hai, về thời gian thử việc (Điều 27 – Bộ luật Lao động). Chỉ được thử việc một lần với các điều kiện sau:
      - Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
      - Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
      - Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

      Thứ ba, về tiền lương thử việc (Điều 28 – Bộ luật Lao động). Tiền lương do hai bên tự thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

      Thứ tư, về kết thúc thử việc (Điều 29 – Bộ luật Lao động). Sau khi kết thúc thời gian thử việc nếu đạt yêu cầu thì tiến hành ký hợp đồng và trong thời gian thử việc, mỗi bên đều có thể chấm dứt thỏa thuận thỏa thuận mà không phải báo trước hoặc bồi thường.

      Thứ năm, người lao động làm việc theo thời vụ thì không phải thử việc.

      Ngoài ra, theo Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số nội dung Bộ luật lao động, trong 3 ngày trước khi kết thúc thời hạn thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động đối với những người:
      - Có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
      - Có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
      Những trường hợp khác, người lao động phải thông báo khi thời gian thử việc kết thúc.

      Mức phạt vi phạm của người sử dụng lao động trong giai đoạn thử việc được quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau:
      - Yêu cầu thử việc với người lao động làm việc theo thời vụ: 500.000 – 1.000.000 đồng.
      - Thử việc quá 1 lần, thử việc quá thời gian hoặc mức lương thấp hơn quy định: 2.000.000 – 5.000.000 đồng.

      Như vậy, trong trường hợp của mình, bạn có thể dựa vào vị trí làm việc, chức vụ, chuyên môn của từ người lao động đối chiếu với những quy định trên đây để lựa chọn những thỏa thuận phù hợp khi ký kết hợp đồng thử việc. Chúc hoạt động kinh doanh của bạn thành công và ngày càng phát triển.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn