Hòa giải không thành thì có được đình công không? Người lao động đình công thì doanh nghiệp có được phép sa thải không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 06/08/2022

Hòa giải không thành thì có được đình công? Người lao động đình công thì doanh nghiệp có được phép sa thải không?

Chào Ban biên tập, tôi có vấn đề cần được giải đáp. Tôi là công nhân may tại Công ty may mặc W. Toàn thể công nhân chúng tôi đã gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về lương và giờ làm việc với bên công ty cho hòa giải viên. Nhưng toàn thể công nhân và bên công ty không hòa giải được vì chúng tôi vẫn thấy vấn đề lương và giờ làm việc không hợp lý còn phía công ty vẫn cố chấp không nghe công nhân nói gì. Toàn thể công nhân chúng tôi đang muốn đình công sau vụ này, cho tôi hỏi là có thể đình công khi hòa giải không thành không?

Rất mong được Ban biên tập giải đáp vấn đề này, tôi cảm ơn.

    • 1. Hòa giải không thành thì có được đình công không?

      Tại Điều 199 Bộ luật Lao động 2019 quy định trường hợp người lao động có quyền đình công như sau:

      Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công trong trường hợp sau đây:

      1. Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;

      2. Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.

      Như vậy, theo quy định nêu trên thì khi hòa giải không thành, người lao động được phép đình công. Nếu công nhân và công ty đã ra hòa giải nhưng cả 2 bên vẫn không thống nhất được vấn đề cả 2 đang tranh chấp thì công nhân có quyền được đình công.

      2. Người lao động đình công thì doanh nghiệp có được phép sa thải không?

      Căn cứ Điều 208 Bộ luật Lao động 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trước, trong và sau khi đình công như sau:

      1. Cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc.

      2. Dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động.

      3. Xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.

      4. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công.

      5. Trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công.

      6. Lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

      Theo Điều 204 Bộ luật Lao động 2019 quy định trường hợp đình công bất hợp pháp như sau:

      1. Không thuộc trường hợp được đình công quy định tại Điều 199 của Bộ luật này.

      2. Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.

      3. Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật này.

      4. Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật này.

      5. Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công quy định tại Điều 209 của Bộ luật này.

      6. Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 210 của Bộ luật này.

      Căn cứ Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 quy định hình thức xử lý kỷ luật lao động như sau:

      1. Khiển trách.

      2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.

      3. Cách chức.

      4. Sa thải.

      Do đó, sa thải người lao động đình công còn phụ thuộc vào tính hợp pháp của sự đình công đó. Nếu như đình công đó hợp pháp thì doanh nghiệp không có quyền sa thải người lao động, còn sự đình công bất hợp pháp thì doanh nghiệp có quyền xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động trong đó có hình thức sa thải.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn