Khi nào doanh nghiệp phải lập phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 04/08/2017

Khi nào doanh nghiệp phải lập phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi muốn hỏi về việc lập phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động khi xây dựng mới, mở rộng, cải tạo công trình, cơ sở sản xuất. Căn cứ theo Điều 29 Luật An toàn vệ sinh lao động, tôi muốn hỏi khi công ty xây dựng, mở rộng cơ sở sản xuất bao nhiêu m2 thì phải lập phương án bảo đảm an toàn.... Hiện tại công ty tôi đang mở rộng quy mô cơ sở sản xuất khoản 700m2, vậy tôi có cần lập phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo điều 29 của Luật An toàn-vệ sinh lao động năm 2015 không?

Đình Chiến (chien***@gmail.com)

    • Vấn đề lập phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động được quy định tại Điều 29 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015. Cụ thể như sau:

      1. Trong hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo công trình, cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, chủ đầu tư, người sử dụng lao động phải có phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động và môi trường.

      2. Phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

      a) Địa điểm, quy mô công trình, cơ sở;

      b) Liệt kê, mô tả chi tiết các hạng mục trong công trình, cơ sở;

      c) Nêu rõ những yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, sự cố có thể phát sinh trong quá trình hoạt động;

      d) Các biện pháp cụ thể nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp.

      Căn cứ quy định trên, người sử dụng lao động phải tiến hành lập phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong trường hợp xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo công trình, cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

      Theo đó, để xác định những máy móc, thiết bị, vật tư nào thuộc loại có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, bạn căn cứ theo quy định tại Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động Ban hành kèm theo Thông tư 53/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

      Như vậy, để xác định việc người sử dụng lao động có phải lập phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chúng ta không căn cứ vào quy mô diện tích xây dựng hay mở rộng cơ sở sản xuất là bao nhiêu m2 mà phải căn cứ vào việc hoạt động xây dựng, mở rộng cơ sở sản xuất đó có nhằm mục đích sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động hay không.

      Cho nên, công ty bạn căn cứ vào danh mục các thiết bị, máy móc được quy định tại Thông tư 53/2016/TT-BLĐTBXH, đối chiếu với các thiết bị, máy móc mà công ty dự định đưa vào sản xuất, sử dụng, bảo quản,...sau khi tiến hành xây dựng, cơ sở sản xuất để xác định công ty mình có phải tiến hành lập phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động hay không.

      Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề lập phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động mà bạn thắc mắc. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật an toàn vệ sinh lao động và Thông tư 53/2016/TT-BLĐTBXH.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn