Lao động nữ trong thời gian hành kinh được phép nghỉ bao nhiêu phút vào thời giờ làm việc?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 16/08/2022

Lao động nữ trong thời gian hành kinh được phép nghỉ bao nhiêu phút vào thời giờ làm việc? Không cho lao động nữ nghỉ trong thời gian hành kinh bị phạt bao nhiêu tiền?

Chào Ban biên tập, tôi có vấn đề này cần được giải đáp. Tôi là công nhân tại Công ty sản xuất bánh kẹo G. Thể trạng của tôi rất là yếu mà đến lúc hành kinh mỗi tháng lại càng yếu hơn. Đến ngày hành kinh tôi không có đủ sức để làm việc, cho tôi hỏi là khi hành kinh thì lao động nữ có được nghỉ ngơi trong thời giờ làm việc không? Nếu được phép nghỉ ngơi mà công ty không cho nghỉ thì bị xử lý như thế nào vậy?

Rất mong được giải đáp, tôi cảm ơn.

    • 1. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được phép nghỉ bao nhiêu phút vào thời giờ làm việc?

      Tại Khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ:

      a) Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động;

      b) Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;

      c) Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.

      Như vậy, lao động nữ trong thời gian hành kinh được phép nghỉ ngơi vào thời giờ làm việc là 30 phút và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh sẽ do bạn và bên công ty thỏa thuận nhưng không được quá 3 ngày trong 1 tháng.

      Mặt khác, lao động nữ nếu không có nhu cầu nghỉ và người sử dụng lao động đồng ý thì ngoài tiền lương được hưởng theo hợp đồng lao động, lao động nữ còn được trả thêm tiền lương theo công việc mà người đấy đã làm trong thời gian được nghỉ.

      2. Không cho lao động nữ nghỉ trong thời gian hành kinh bị phạt bao nhiêu tiền?

      Căn cứ Khoản 2 và Khoản 3 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới như sau:

      2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

      a) Sử dụng người lao động mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa;

      b) Sử dụng người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa, trừ trường hợp được người lao động đồng ý;

      c) Không thực hiện việc chuyển công việc hoặc giảm giờ làm đối với lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai mà người lao động đã thông báo với người sử dụng lao động biết theo quy định tại khoản 2 Điều 137 của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;

      d) Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;

      đ) Không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;

      e) Không bảo đảm việc làm cho người lao động theo quy định tạiĐiều 140 của Bộ luật Lao động;

      g) Không ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

      h) Xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nghỉ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

      3. Biện pháp khắc phục hậu quả

      a) Buộc người sử dụng lao động trả tiền lương cho người lao động nữ tương ứng với thời gian người lao động nữ không được nghỉ trong thời gian hành kinh theo quy định của pháp luật khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;

      b) Buộc người sử dụng lao động trả tiền lương cho người lao động nữ tương ứng với thời gian người lao động nữ không được nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này;

      c) Buộc người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm i khoản 2 Điều này.

      Theo Khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền:

      1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

      Do đó, công ty không cho bạn nghỉ trong thời gian hành kinh thì công ty sẽ bị xử phạt 20.000.000 đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra còn phải công ty còn phải trả tiền lương cho bạn tương ứng với thời gian bạn không được nghỉ trong thời gian hành kinh.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn