Lương tháng 13 có phải là tiền thưởng Tết không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 07/12/2022

Lương tháng 13 có phải là tiền thưởng Tết không? Công ty không trả tiền thưởng Tết như trong thỏa thuận hợp đồng bị phạt bao nhiêu tiền? Tiền thưởng Tết có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?

Chào Ban biên tập, tôi có vấn đề cần được giải đáp. Cũng đã sắp đến Tết âm lịch thì thường công ty sẽ trả cho nhân viên tiền lương tháng 13. Tôi thắc mắc là lương tháng 13 có được xem là tiền thưởng Tết không?

Rất mong được Ban biên tập giải đáp, tôi cảm ơn.

    • Lương tháng 13 có phải là tiền thưởng Tết không?
      (ảnh minh họa)
    • 1. Lương tháng 13 có phải là tiền thưởng Tết không?

      Tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định thưởng như sau:

      1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

      2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

      Hiện này pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể nào về lương tháng 13, lương tháng 13 chỉ là cách truyền miệng của mọi người với nhau. Lương tháng 13 thường sẽ được thỏa thuận và được người sử dụng lao động trả vào dịp cuối năm.

      Bởi vì không có quy định cụ thể nào về lương tháng 13 nên không thể xem lương tháng 13 là tiền thưởng Tết được. Nếu như trong nội dung của hợp đồng có thỏa thuận lương tháng 13 là tiền thưởng Tết và được ghi nhận trong thỏa ước lao động thì người sử dụng lao động phải trả khoản đấy cho người lao động.

      2. Công ty không trả tiền thưởng Tết như trong thỏa thuận hợp đồng bị phạt bao nhiêu tiền?

      Theo Khoản 2 và Điểm a Khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về tiền lương như sau:

      2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:

      a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

      b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

      c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

      d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

      đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

      5. Biện pháp khắc phục hậu quả

      a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;

      Căn cứ Khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền:

      1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

      Do đó, theo quy định trên công ty không trả tiền thưởng Tết cho nhân viên như trong thỏa thuận hợp đồng lao động thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (tùy thuộc vào số lượng nhân viên).

      Ngoài ra, buộc công ty phải trả đủ tiền thưởng Tết công với khoản tiền lãi của số tiền thưởng chậm trả đấy cho nhân viên tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

      3. Tiền thưởng Tết có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?

      Tại Điểm a Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định thu nhập từ tiền lương, tiền công như sau:

      Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

      a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

      Như vậy, theo quy định trên tiền thưởng Tết cũng là khoản thu nhập phải chịu thuế cá nhân.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn