Nghỉ dưỡng sức 1 tháng sau khi nghỉ thai sản có được đóng BHXH không? Nghỉ thai sản trong năm có được hưởng 12 ngày phép?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 07/03/2022

Liên quan đến quy định của pháp luật lao động hiện hành, cho hỏi: Nghỉ dưỡng sức 1 tháng sau khi nghỉ thai sản có được đóng BHXH không? Người lao động nghỉ thai sản trong năm có được hưởng 12 ngày phép? Quay lại làm việc sau khi nghỉ thai sản trùng với nghỉ Tết có được hưởng lương?

    • Nghỉ dưỡng sức 1 tháng sau khi nghỉ thai sản có được đóng BHXH không?

      Tôi hiện đang được nghỉ thai sản được tổng cộng được 6 tháng. Hiện tôi cảm thấy sức khỏe của tôi chưa đảm bảo để đi làm lại. Vậy cho tôi hỏi nếu tôi xin nghỉ dưỡng sức thêm 1 tháng nữa thì có được không và tháng này tôi có được đóng BHXH không? Cảm ơn.

      Trả lời: * Về chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản:

      Theo Khoản 1 Điều 34 và Khoản 1 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.

      Bên cạnh đó, tại Khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội cũng quy định mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

      Như vây, sau thời gian nghỉ thai sản, nếu đáp ứng đủ điều kiện, bạn chỉ có thể được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05-10 ngày (kể cả ngày nghỉ), trong thời gian này bạn sẽ được hỗ trợ với mức bằng 30% mức lương cơ sở.

      * Nghỉ thêm 1 tháng có được đóng BHXH không:

      Theo Khoản 3 Điều 139 Bộ luật lao động 2019' onclick="vbclick('51766', '360835');" target='_blank'>Điều 139 Bộ luật lao động 2019 quy định: Khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động

      Bên cạnh đó, Khoản 4 Điều 42 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định như sau: “4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH…”

      Như vậy, nếu bạn thỏa thuận và được công ty đồng ý nghỉ thêm 1 tháng sau khi kết thúc kỳ nghỉ thai sản thì bạn sẽ không được đóng BHXH trong tháng nghỉ thêm đó.

      Quay lại làm việc sau khi nghỉ thai sản trùng với nghỉ Tết có được hưởng lương?

      Dạ cho tôi hỏi là tôi nghỉ thai sản 6 tháng và ngày quay lại làm việc là 09.02 nhằm 28 tết âm lịch, mới làm được 01 ngày thì tôi được nghỉ cùng lịch nghỉ tết của công ty đến 17.02. Vậy tôi có được tính 5 ngày lương tết âm lịch không ạ?

      Trả lời: Theo Khoản 1 Điều 112 Bộ luật lao động 2019 quy định về nghỉ lễ, tết như sau:

      1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

      a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

      b) Tết Âm lịch: 05 ngày;

      c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

      d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

      đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

      e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

      Theo thông tin bạn cung cấp thì sau khi nghỉ thai sản thì bạn đã quay trở lại làm việc 01 ngày. Tuy nhiên, do lịch nghỉ tết của công ty trùng vào thời điểm chị đi làm trở lại thì chị vẫn được nghỉ và hưởng nguyên lương 05 ngày theo quy định trên.

      Người lao động nghỉ thai sản trong năm có được hưởng 12 ngày phép?

      Cho hỏi: Trường trong năm có 12 tháng nhưng người lao động nghỉ 6 tháng thai sản thì người lao động đó có được hưởng 12 ngày nghỉ phép trong năm không? Mong sớm nhận hồi đáp.

      Trả lời: Tại Khoản 1 Điều 113 Bộ luật lao động 2019, có quy định:

      Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

      - 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

      - 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

      - 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

      Và tại Khoản 7 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, có quy định:

      Điều 65. Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động

      Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

      => Như vậy, theo quy định nêu trên thì thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trong năm vẫn được tính vào thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ của người lao động. Nên người lao động nghỉ 6 tháng thai sản trong năm thì trong năm đó người lao động vẫn được hưởng 12 ngày phép có hưởng lương.

      Trân trọng.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn