Người có quyền ký hợp đồng lao động với giám đốc công ty TNHH một thành viên?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 23/05/2022

Người có quyền ký hợp đồng lao động với giám đốc công ty TNHH một thành viên? Ký hợp đồng lao động có thỏa thuận thử việc thì chấm dứt thử việc có phải báo trước? Làm bán thời gian có phải ký hợp đồng lao động?

    • Người có quyền ký hợp đồng lao động với giám đốc công ty TNHH một thành viên?

      Công ty chúng tôi là công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu, được tổ chức theo mô hình hội đồng thành viên. Chúng tôi đang làm hợp đồng lao động với giám đốc đồng thời làm người đại diện theo pháp luật của công ty để đóng bảo hiểm cho giám đốc. Xin hỏi luật sư trong trường hợp ký hợp đồng lao động với cương vị giám đốc đồng thời là người đại diện pháp luật thì ai có quyền ký?

      Trả lời: Căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019 thì:

      Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật là người có thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động của doanh nghiệp.

      Theo thông tin anh cung cấp, giám đốc công ty anh đồng thời giữ vị trí người đại diện theo pháp luật của công ty. Do vậy, đây là người có thẩm quyền thay mặt công ty ký kết hợp đồng lao động với người lao động trong công ty.

      Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 141 Bộ luật dân sự 2015 lại xác định: người đại diện không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

      Như vậy, theo quy định này, giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty nên không thể vừa ký hợp đồng lao động nhân danh công ty vừa ký với tư cách người lao động được.

      Do đó, trường hợp này, giám đốc có thể ủy quyền cho một người khác ký hợp đồng lao động với mình để đảm bảo thực hiện đúng quy định.

      Ký hợp đồng lao động có thỏa thuận thử việc thì chấm dứt thử việc có phải báo trước?

      Em vừa ký hợp đồng lao động với công ty trong đó thỏa thuận thời gian thử việc là 2 tháng, hết 2 tháng đó nếu đáp ứng yêu cầu công ty mới được chuyển thành lao động chính thức. Nhưng chị nhân sự nói theo luật mới thì bây giờ ký hợp đồng lao động kết hợp cả thử việc rồi nên nếu muốn nghỉ trong khi thử việc vẫn phải báo trước 30 ngày như hợp đồng bình thường. Nếu không báo mà nghỉ thì phải bồi thường cho công ty đúng không ạ?

      Trả lời: Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 thì: Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

      Theo quy định này, pháp luật hiện hành cho phép doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động có thể ký hợp động thử việc tách riêng hợp đồng lao động hoặc kết hợp chỉ ký hợp đồng lao động và thể hiện nội dung thời gian thử việc trong hợp đồng lao động.

      Đồng thời, Khoản 2 Điều 27 Bộ luật này quy định:

      Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

      Như vậy, trong thời gian thử việc, người lao động có quyền chấm dứt thỏa thuận thử việc kể cả trường hợp ký hợp đồng thử việc riêng và hợp đồng lao động kết hợp với hợp đồng thử việc. Việc doanh nghiệp thỏa thuận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động không làm hạn chế quyền được chấm dứt thử việc của người lao động.

      Do đó, việc nhân sự công ty yêu cầu bạn phải báo trước 30 ngày nếu muốn nghỉ việc trong thời gian thử việc là trái quy định pháp luật.

      Trân trọng!

      Làm bán thời gian có phải ký hợp đồng lao động?

      Xin được hỏi đối với trường hợp chuỗi cửa hàng tiện lợi thuê sinh viên làm bán thời gian luân phiên theo ca, trả tiền theo số giờ làm trong ca (thông thường mỗi ca 4 giờ, mỗi giờ là 25.000 đồng) thì bên chúng tôi khi tuyển sinh viên vào làm có phải ký hợp đồng lao động hay không?

      Trả lời: Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 thì:

      Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

      Theo quy định này, tất cả mọi trường hợp khi tuyển người sử dụng vào làm việc, bắt buộc phải ký hợp đồng lao động với họ bất kể công việc toàn thời gian hay bán thời gian.

      Thực ra, luật không quy định thuật ngữ làm việc bán thời gian, theo đó đối với những công việc có tính chất không trọn thời gian sẽ được áp dụng theo quy định tại Điều 32 Bộ luật này.

      Cụ thể:

      - Người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

      - Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động.

      Như vậy, kết hợp các quy định trên, khi tuyển dụng người lao động là sinh viên làm việc theo ca không trọn thời gian (bán thời gian), bên anh vẫn phải tiến hành ký kết hợp đồng lao động với người lao động và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khác cho họ như: tiền lương, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động,...

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn