Phải thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp nào khi nhà máy xảy ra sự cố bị thương nặng 02 người?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 25/11/2022

Phải thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp nào khi nhà máy xảy ra sự cố bị thương nặng 02 người? Đoàn Điều tra tai nạn lao động được phép tiết lộ thông tin trong khi Điều tra tai nạn không? Hồ sơ vụ tai nạn lao động có những giấy tờ gì?

Xin chào ban biên tập, vừa rồi công ty tôi có nhà máy xảy ra sự cố làm 02 người bị thương nặng, vậy công ty phải thành lập Đoàn Điều tra lao động cấp cơ sở hay vấn đề này chỉ có Đoàn Điều tra lao động cấp tỉnh mới có thẩm quyền? Trong khi tiến hành điều tra thì Đoàn Điều tra được tiết lộ thông tin không? Xin được giải đáp.

    • Phải thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp nào khi nhà máy xảy ra sự cố bị thương nặng 02 người?
      (ảnh minh họa)
    • 1. Phải thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp nào khi nhà máy xảy ra sự cố bị thương nặng 02 người?

      Căn cứ Điều 11 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định quyết định thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động như sau:

      1. Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở

      a) Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động nhẹ hoặc tai nạn lao động làm bị thương nặng 01 người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của người sử dụng lao động quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động phải thành lập ngay Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.

      b) Đối với các vụ tai nạn lao động xảy ra tại nơi thuộc thẩm quyền quản lý của người sử dụng lao động, nhưng nạn nhân là người lao động thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động khác, thì người sử dụng lao động tại nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, đồng thời mời đại diện người sử dụng lao động của nạn nhân tham gia Đoàn Điều tra.

      2. Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh

      a) Khi nhận được tin báo xảy ra tai nạn làm chết người hoặc làm từ 02 người bị tai nạn nặng trở lên thuộc thẩm quyền Điều tra, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cử người đến hiện trường trong thời hạn 02 giờ và thông báo cho các cơ quan cử người tham gia Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh.

      b) Đối với các vụ tai nạn quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 19 Nghị định này, sau khi nhận đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn lao động, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo cho các cơ quan cử người tham gia Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh, tiến hành Điều tra và lập biên bản xác minh tai nạn lao động.

      c) Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh theo đề nghị của Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.

      3. Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp trung ương

      Việc thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp trung ương theo Khoản 3 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:

      a) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp trung ương, trừ các vụ tai nạn lao động được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động;

      b) Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc Bộ trưởng các bộ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 21 Nghị định này thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp trung ương để Điều tra các vụ tai nạn lao động xảy ra trong các lĩnh vực quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động;

      c) Quyết định thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp trung ương theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này.

      Như vậy, đối với trường hợp nhà máy xảy ra sự cố làm 02 người bị thương nặng thì sẽ phải thông báo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tiến hành thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh theo quy định.

      2. Đoàn Điều tra tai nạn lao động được phép tiết lộ thông tin trong khi Điều tra tai nạn không?

      Theo Điều 12 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định nhiệm vụ của thành viên Đoàn Điều tra tai nạn lao động như sau:

      1. Trưởng Đoàn Điều tra tai nạn lao động có nhiệm vụ sau đây:

      a) Quyết định tiến hành việc Điều tra ngay, kể cả trường hợp vắng một trong các thành viên Đoàn Điều tra;

      b) Phân công cụ thể nhiệm vụ đối với từng thành viên trong Đoàn Điều tra;

      c) Tổ chức thảo luận về kết quả Điều tra vụ tai nạn lao động; quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình đối với kết quả Điều tra tai nạn lao động;

      d) Tổ chức, chủ trì cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động.

      2. Các thành viên Đoàn Điều tra tai nạn lao động có nhiệm vụ sau đây:

      a) Thực hiện nhiệm vụ do Trưởng đoàn phân công và tham gia vào hoạt động chung của Đoàn Điều tra;

      b) Có quyền nêu và bảo lưu ý kiến; trường hợp không thống nhất với quyết định của Trưởng đoàn Điều tra tai nạn lao động thì báo cáo lãnh đạo cơ quan cử tham gia Đoàn Điều tra;

      c) Không được Tiết lộ thông tin, tài liệu trong quá trình Điều tra khi chưa công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động.

      Theo đó, Đoàn Điều tra tai nạn lao động không được tiết lộ thông tin, tài liệu trong khi điều tra tai nạn lao động khi chưa công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động.

      3. Hồ sơ vụ tai nạn lao động có những giấy tờ gì?

      Tại Điều 16 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định hồ sơ vụ tai nạn lao động như sau:

      1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập Hồ sơ vụ tai nạn lao động. Hồ sơ bao gồm bản chính hoặc bản sao các tài liệu sau đây:

      a) Biên bản khám nghiệm hiện trường (nếu có);

      b) Sơ đồ hiện trường;

      c) Ảnh hiện trường, ảnh nạn nhân;

      d) Biên bản khám nghiệm tử thi hoặc khám nghiệm thương tích, trừ trường hợp mất tích theo tuyên bố của Tòa án;

      đ) Biên bản giám định kỹ thuật, giám định pháp y, kết luận giám định tư pháp (nếu có);

      e) Biên bản lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động;

      g) Biên bản Điều tra tai nạn lao động;

      h) Biên bản cuộc họp công bố biên bản Điều tra tai nạn lao động;

      i) Giấy chứng thương của cơ sở y tế được Điều trị (nếu có);

      k) Giấy ra viện của cơ sở y tế được Điều trị (nếu có).

      2. Trong một vụ tai nạn lao động, nếu có nhiều người bị tai nạn lao động thì mỗi người bị tai nạn lao động được lập một bộ hồ sơ riêng.

      3. Lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động

      a) Người sử dụng lao động lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động theo quy định tại Khoản 8 Điều 18 Nghị định này.

      b) Cơ quan thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh, cấp trung ương lưu trữ hồ sơ vụ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

      Như vậy, hồ sơ vụ tai nạn lao động sẽ bao gồm các tài liệu được quy định trên.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn