Phân biệt các hình thức thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 10/02/2017
Tôi được biết hình thức thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức thường áp dụng đối với cán bộ, công chức. Xin hỏi vậy khi nào áp dụng thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức?
    • Thôi giữ chức vụ

      Thôi giữ chức vụ được áp dụng đối với các trường hợp: Cán bộ được điều động, luân chuyển, phân công công tác khác; mà theo quy định của pháp luật, Điều lệ, quy chế hiện hành của Đảng không được giữ chức vụ đang đảm nhiệm. Ví dụ: Cơ cấu của ban cán sự đảng một bộ gồm lãnh đạo bộ, vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ. Khi đồng chí vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ chuyển làm vụ trưởng một vụ khác, thì đồng chí đó thôi là ủy viên ban cán sự đảng. Hoặc khi đồng chí chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh chuyển công tác về Trung ương, thì thôi tham gia hội đồng nhân dân tỉnh; Cán bộ không đủ sức khỏe để tiếp tục lãnh đạo, quản lý.

      Việc thôi giữ chức vụ gắn với yếu tố khách quan.

      Miễn nhiệm

      Miễn nhiệm được áp dụng đối với các trường hợp: Cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ được giao; không đủ năng lực, uy tín mà theo yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế; cán bộ vi phạm pháp luật, bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng chưa tới mức cách chức hoặc bãi nhiệm; Cán bộ vi phạm quy định của Bộ Chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ.

      Miễn nhiệm gắn với yếu tố chủ quan do cán bộ gây nên.

      Từ chức

      Từ chức được áp dụng đối với các trường hợp: Cán bộ muốn chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý cho người khác trong quy hoạch; nhận thấy hạn chế về năng lực hoặc sức khoẻ đã giảm sút; nhận thấy không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của đơn vị, của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình...

      Từ chức gắn với việc cán bộ tự nguyện, chủ động.

      Từ những điều đã nêu trên, chúng ta thấy cần phải xây dựng một quy chế về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ nhằm cụ thể hoá hơn nữa chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; hình thành được những quy định để thực hiện thống nhất việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ một cách chính xác, kịp thời; thực hiện đồng bộ việc bổ nhiệm với việc miễn nhiệm cán bộ, đảm bảo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ đức, tài, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ từ chức.

      Tuy nhiên, một số trường hợp sau không được từ chức: cán bộ đang đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia hoặc đang đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu, cơ mật mà chưa thực hiện xong nhiệm vụ, cần phải tiếp tục đảm nhận vị trí được giao; cán bộ đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật. Quy định này là để cán bộ phải làm tròn trách nhiệm đối với công việc, nếu cán bộ từ chức thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiệm vụ mà đơn vị được giao.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn