Quy định về khởi kiện khi vi phạm hợp đồng hợp tác kinh doanh

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 17/12/2016

Tôi với bên A có hợp tác kinh doanh mở nhà thuốc, hợp đồng 3 năm, chỉ có hai bên ký hợp đồng. Hoạt động được gần 2 năm thì bên A vi phạm hợp đồng không hợp tác với tôi nữa và tự hoạt động một mình. Cho tôi hỏi, tôi có đủ điều kiện mang hợp đồng để đi khởi kiện bên A không. Hợp đồng có ghi rõ bên nào vi phạm thì phải bồi thường cho bên kia và chịu trước pháp luật? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

    • Theo như bạn trình bày thì bạn với bên A có lập hợp đồng hợp tác kinh doanh mở hiệu thuốc được hiểu là giữa bạn với bên A ký hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) theo Luật đầu tư 2014.

      Căn cứ khoản 9 Điều 3 Luật đầu tư 2014 quy định khái niệm hợp đồng BCC như sau: “Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.”

      Tại khoản 13 Điều 3 Luật đầu tư 2014 quy định khái niệm nhà đầu tư: “Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.”

      Như vậy, hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC cho phép cá nhân trong nước thực hiện với nhau, cá nhân trong nước với cá nhân nước ngoài. Theo khoản 1 Điều 28 Luật đầu tư 2014 quy định đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC như sau:

      “1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

      2. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37 của Luật này.

      3. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.”

      Điều 412 Bộ luật dân sự 2005 quy định nguyên tắc thực hiện hợp đồng dân sự:

      “Việc thực hiện hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

      1. Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác;

      2. Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau;

      3. Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.”

      Điều 426 Bộ luật dân sự 2005 quy định đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự như sau:

      “1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

      2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

      3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán.

      4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại.”

      Như vậy, khi bạn và bên A ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên, việc thực hiện hợp đồng phải tuân thủ theo sự thỏa thuận về thời hạn hợp đồng và các thỏa thuận khác. Trong hợp đồng cũng đã nêu rõ “bên nào vi phạm thì phải bồi thường cho bên kia và chịu trước pháp luật”. Như vậy, trường hợp bên A đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thỏa thuận thì bên A sẽ phải bồi thường cho bên bạn.

      Do vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu bên A phải bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, nếu trong hợp đồng có điều khoản phạt vi phạm thì sẽ áp dụng phạt vi phạm theo Luật thương mại 2005 còn trường hợp trong hợp đồng không có điều khoản phạt vi phạm thì sẽ áp dụng trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật dân sự 2005.

      Căn cứ Điều 300 Luật thương mại 2005 quy định về Phạt vi phạm như sau:

      “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.”

      Như vậy, cần phải xem xét trong hợp đồng ban đầu có điều khoản về phạt vi phạm hợp đồng hay không. Việc áp dụng phạt vi phạm hợp đồng chỉ được thực hiện khi trong hợp đồng có quy định về vấn đề này. Về mức phạt, Luật thương mại quy định như sau:

      Điều 301 Luật thương mại 2005 quy định mức phạt vi phạm như sau: “Mức phạt đối với nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.”

      Vậy mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng đo các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng.

      Trong trường hợp bên A không bồi thường thiệt hại bạn có quyền làm đơn khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại gửi lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bên A cư trú để yêu cầu giải quyết theo pháp luật dân sự.

      Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về khởi kiện khi vi phạm hợp đồng hợp tác kinh doanh. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật đầu tư 2014 để nắm rõ quy định này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn