Thay đổi mức lương cơ bản trên hợp đồng lao động

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 10/09/2016
Xin chào luật sư, Em xin phép được hỏi luật sư một vấn đề như sau: Một người lao động được chuyển từ công nhân lên làm nhân viên văn phòng (công việc không thay đổi) khi đó chức danh của họ cũng thay đổi, tiền lương trong hợp đồng tăng lên và lúc đó sẽ có một phụ lục hợp đồng đính kèm với nội dung thay đổi trên. Vậy em muốn hỏi là nếu họ đang là nhân viên văn phòng bị điểu chuyển xuống làm công nhân (công việc không thay đổi) thì công ty có thể giảm lương trên hợp đồng và làm một phụ lục đi kèm với nội dung tương ứng ở trên. Bởi vấn đề giảm lương thường rất tế nhị. Luật sư cho em hỏi công ty làm như vậy có trái pháp luật hay không? Em xin chân thành cảm ơn!
    • Chào bạn,

      Theo quy định tại Điều 26, khoản 2 Điều 33 của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung thì Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

      Do có sự “thỏa thuận” của hai bên, nên trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động nếu bên nào có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng thì phải có sự chấp thuận của cả hai bên và phải báo cho bên kia biết trước ít nhất ba ngày.

      Việc thay đổi nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng cách sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động đã giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

      Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung hoặc giao kết hợp đồng lao động mới thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết hoặc chấm dứt theo quy định tại khoản 3 Điều 36 của Bộ luật này.

      Điều này được cụ thể tại khoản 2, Điều 8 Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 09/05/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về hợp đồng lao động như sau:

      “Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu một bên có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng lao động phải báo cho bên kia biết trước ít nhất ba ngày. Khi đã chấp thuận thì hai bên tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung thủ tục thay đổi hợp đồng theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc ký kết hợp đồng lao động mới.

      Trong thời gian tiến hành thỏa thuận hai bên vẫn phải tuân theo hợp đồng đã ký kết. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 36 của Bộ luật Lao động”.

      Và khoản 3, mục II Thông tư 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/09/2003 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ về hợp đồng lao động, hướng dẫn Thủ tục thay đổi nội dung hợp đồng lao động theo khoản 2 Điều 8 của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP được tiến hành theo trình tự như sau:

      "Bên đề xuất yêu cầu nêu nội dung cần thay đổi và thông báo cho bên kia biết bằng văn bản. Bên nhận được văn bản yêu cầu phải chủ động gặp bên đề xuất để thỏa thuận về nội dung cần thay đổi, chậm nhất trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu;

      Trường hợp hai bên thỏa thuận được việc thay đổi nội dung hợp đồng lao động, thì tiến hành ký kết phụ lục hợp đồng lao động theo Mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

      Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc thay đổi nội dung hợp đồng lao động, thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết hoặc thỏa thuận chấm dứt theo qui định tại khoản 3 Điều 36 của Bộ Luật Lao động".

      Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 34 của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung thì khi gặp khó khăn đột xuất hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác trái nghề, nhưng không được quá 60 ngày trong một năm.

      Khi tạm thời chuyển người lao động làm việc khác trái nghề, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất ba ngày, phải báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ và giới tính của người lao động.

      Người lao động tạm thời làm công việc khác theo quy định tại khoản 1 Điều này, được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc.

      Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 70% mức tiền lương cũ nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

      Điều này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 9 Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 09/05/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về hợp đồng lao động thì việc tạm thời chuyển người lao động làm việc khác trái nghề quy định tại Điều 34 Bộ luật Lao động được quy định như sau:

      “Khi người sử dụng lao động gặp khó khăn đột xuất do khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; sự cố điện, nước hoặc nhu cầu của sản xuất - kinh doanh thì người sử dụng lao động có quyền tạm thời chuyển người lao động làm việc khác trái nghề, nhưng không được quá 60 ngày (cộng dồn) trong một năm.

      Trong thời gian này, nếu người lao động không chấp hành quyết định của người sử dụng lao động thì có thể bị xử lý kỷ luật lao động và không được hưởng lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 62 của Bộ luật Lao động và tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 84 của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung.

      Trong trường hợp người sử dụng lao động tạm thời chuyển người lao động làm việc khác trái nghề quá 60 ngày (cộng dồn) trong một năm thì phải có sự thỏa thuận của người lao động; nếu người lao động không chấp thuận mà họ phải ngừng việc thì người đó được hưởng lương theo quy định tại khoản 1 Điều 62 của Bộ luật Lao động”.

      Tóm lại, công ty của bạn không được thay đổi bất cứ nội dung nào trên hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động nếu không được sự đồng ý của người lao động.

      Tuy nhiên, công ty được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác trái nghề, nhưng không được quá 60 ngày cộng dồn trong một năm nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định ở trên mà không cần phải có sự thỏa thuận với người lao động.

      Hy vọng với nội dung trao đổi ở trên sẽ giải đáp phần nào thắc mắc của bạn.

      Thân mến chào bạn.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn