Thời gian làm việc của thương binh có giống người lao động bình thường?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 30/08/2016
Tôi là thương binh hạng ¾ với tỷ lệ thương tật trên 40%, tôi có ký hợp đồng làm việc cho một công ty vận tải tại TPHCM theo Hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Từ khi ký hợp đồng đến nay, Công ty đã yêu cầu tôi phải làm việc 8 giờ/ngày theo đúng thời gian làm việc được ký kết tại Hợp đồng lao động, và thực tế tôi đã tuân thủ làm việc 8 giờ/ngày. Xin hỏi việc Công ty buộc người lao động là người tàn tật, thương binh làm việc 8 giờ/ngày như đối với lao động bình thương có đúng không? Tôi phải làm gì để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình nếu Công ty làm trái luật? (Nguyễn Hữu Toại, Cam Lộ, Quảng Trị)
    • Trả lời: Theo quy định của pháp luật lao động, trường hợp bạn là thương binh (có giấy chứng nhận thương binh theo quy định) thì khi làm việc cho doanh nghiệp, ngoài các quyền lợi, nghĩa vụ theo quy định chung áp dụng đối với mọi đối tượng người lao động, bạn còn được hưởng các chính sách, quyền lợi dành riêng cho đối tượng là lao động là người tàn tật được quy định tại Mục III Bộ luật lao động (BLLĐ) và các văn bản liên quan.

      Khoản 4 Điều 125 BLLĐ quy định thời giờ làm việc của người tàn tật không được quá bảy giờ một ngày hoặc 42 giờ một tuần. Theo đó, Công ty của bạn ký hợp đồng lao động với nội dung và yêu cầu thời gian làm việc đối với bạn 8 giờ/ngày là không đúng quy định của pháp luật.

      Căn cứ khoản 2, 3 Điều 29 BLLĐ thì trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn mức được quy định trong pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động đang áp dụng trong doanh nghiệp hoặc hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó phải được sửa đổi, bổ sung...Thanh tra lao động hướng dẫn và yêu cầu các bên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Nếu các bên không sửa đổi, bổ sung thì Thanh tra lao động có quyền buộc huỷ bỏ các nội dung đó; quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên được giải quyết theo quy định của pháp luật.

      Ngoài ra, theo Điều 11 Nghị định của Chính phủ số 47/2010/NĐ - CP ngày 6.5.2010 quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động, người sử dụng lao động nếu có hành vi vi phạm buộc làm việc quá 7 giờ trong một ngày hoặc 42 giờ trong một tuần đối với lao động là người tàn tật sẽ bị phạt tiền và phải thực hiện biện pháp khắc phục là phải bố trí thời gian nghỉ bù cho người lao động. Mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 20.000.000 đồng tương ứng với số lượng người lao động bị vi phạm.

      Từ những quy định chúng tôi đã viện dẫn trên, bạn có thể yêu cầu Công ty thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động dành cho người tàn tật để bảo đảm quyền lợi cho bạn. Trường hợp Công ty không thực hiện, bạn có thể yêu cầu Cơ quan lao động có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra Toà án để yêu cầu can thiệp giải quyết.

      Luật sư Phạm Phùng Trọng Nghĩa

      (Công ty Luật hợp danh FDVN, 193 Nguyễn Tri Phương, TP Đà Nẵng www.fdvn.vn)

      Theo Báo Tuổi trẻ ngày 2-9-2012.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn