Thuật ngữ, định nghĩa trong kỹ thuật an toàn hệ thống đường ống bằng kim loại dẫn khí nén, khí hóa lỏng, khí hòa tan như thế nào?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 05/12/2022

Thuật ngữ, định nghĩa trong kỹ thuật an toàn hệ thống đường ống bằng kim loại dẫn khí nén, khí hóa lỏng, khí hòa tan như thế nào? Các bước kiểm định kỹ thuật an toàn hệ thống đường ống bằng kim loại dẫn khí nén, khí hóa lỏng, khí hòa tan? Thiết bị, dụng cụ phục vụ kiểm định kỹ thuật an toàn hệ thống đường ống bằng kim loại dẫn khí nén, khí hóa lỏng, khí hòa tan? 

Xin được giải đáp. 

    • 1. Thuật ngữ, định nghĩa trong kỹ thuật an toàn hệ thống đường ống bằng kim loại dẫn khí nén, khí hóa lỏng, khí hòa tan như thế nào?

      Căn cứ Điều 3 Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn hệ thống đường ống bằng kim loại dẫn khí nén, khí hóa lỏng, khí hòa tan ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BLĐTBXH quy định thuật ngữ, định nghĩa như sau:

      Trong Quy trình này, một số thuật ngữ, định nghĩa được hiểu như sau:

      1. Hệ thống đường ống bằng kim loại dẫn khí nén, khí hóa lỏng, khí hòa tan (các loại khí nêu trên gọi tắt là môi chất) là hệ thống bao gồm các đường ống, phụ kiện đường ống để dẫn môi chất từ điểm này đến điểm khác.

      Phụ kiện đường ống là các bộ phận cơ khí tương thích dùng để liên kết hay được lắp vào hệ thống, bao gồm các chi tiết nối ống (măng xông, cút nối, tê, mặt bích, đệm, bu lông và một số chi tiết nối ống khác), các loại van, ống mềm, bù trừ giãn nở, bộ lọc, bình tách ẩm, dầu, thiết bị đo và một số bộ phận cơ khí tương thích khác.

      2. Kiểm định kỹ thuật an toàn lần đầu là hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động thực hiện sau khi lắp đặt, trước khi đưa hệ thống vào sử dụng lần đầu.

      3. Kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ là hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động khi hết thời hạn của lần kiểm định trước.

      4. Kiểm định kỹ thuật an toàn bất thường là hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trong các trường hợp sau:

      a) Sau khi sửa chữa, nâng cấp, cải tạo có ảnh hưởng tới tình trạng kỹ thuật an toàn của hệ thống đường ống.

      b) Sau khi thay đổi vị trí lắp đặt.

      c) Khi hệ thống đường ống không hoạt động từ 12 tháng trở lên.

      d) Khi có yêu cầu của cơ sở hoặc cơ quan có thẩm quyền.

      2. Các bước kiểm định kỹ thuật an toàn hệ thống đường ống bằng kim loại dẫn khí nén, khí hóa lỏng, khí hòa tan?

      Theo Điều 4 Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn hệ thống đường ống bằng kim loại dẫn khí nén, khí hóa lỏng, khí hòa tan ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BLĐTBXH quy định các bước kiểm định như sau:

      1. Khi kiểm định kỹ thuật an toàn hệ thống đường ống, tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn phải thực hiện lần lượt theo các bước sau:

      a) Kiểm tra hồ sơ, tài liệu kỹ thuật hệ thống đường ống.

      b) Kiểm tra kỹ thuật bên ngoài, bên trong.

      c) Kiểm tra kỹ thuật thử nghiệm.

      d) Kiểm tra vận hành.

      đ) Xử lý kết quả kiểm định.

      2. Các bước kiểm tra tiếp theo chỉ được tiến hành khi kết quả kiểm tra ở bước trước đó đạt yêu cầu. Tất cả các kết quả kiểm tra của từng bước phải được ghi chép đầy đủ vào biên bản kiểm định theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy trình này và lưu lại đầy đủ tại tổ chức kiểm định.

      3. Thiết bị, dụng cụ phục vụ kiểm định kỹ thuật an toàn hệ thống đường ống bằng kim loại dẫn khí nén, khí hóa lỏng, khí hòa tan?

      Tại Điều 5 Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn hệ thống đường ống bằng kim loại dẫn khí nén, khí hóa lỏng, khí hòa tan ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BLĐTBXH quy định thiết bị, dụng cụ phục vụ kiểm định như sau:

      1. Các thiết bị, dụng cụ phục vụ kiểm định phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định.

      2. Các thiết bị, dụng cụ phục vụ kiểm định gồm:

      a) Bơm thử thủy lực.

      b) Máy nén khí, thiết bị tạo áp lực khí hoặc chai chứa không khí nén, khí trơ.

      c) Áp kế kiểm tra có cấp chính xác và thang đo phù hợp.

      d) Thiết bị kiểm tra khuyết tật bằng phương pháp nội soi.

      đ) Dụng cụ, phương tiện kiểm tra kích thước hình học.

      e) Bình xịt bọt, bọt xà phòng hoặc thiết bị kiểm tra phát hiện rò rỉ khí.

      g) Kìm kẹp chì.

      h) Thiết bị đo điện trở cách điện.

      i) Thiết bị đo điện trở tiếp địa.

      k) Thiết bị đo nhiệt độ.

      l) Thiết bị đo cường độ ánh sáng.

      m) Thiết bị kiểm tra chiều dày kim loại bằng phương pháp siêu âm (nếu cần).

      n) Thiết bị kiểm tra khuyết tật bằng phương pháp không phá hủy (nếu cần).

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn