Thương lượng tập thể không thành có phải tiến hành thương lượng lại không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 11/07/2022

Thương lượng tập thể không thành có phải tiến hành thương lượng lại không? Nội dung thương lượng tập thể là gì? Công ty chúng tôi tổ chức thương lượng tập thể. Tuy nhiên thương lượng không thành thì có bắt buộc phải tổ chức thương lượng lần 2 không? Mong nhận được hồi đáp. Xin cảm ơn!

    • Thương lượng tập thể không thành có phải tiến hành thương lượng lại không?

      Căn cứ Điều 71 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về thương lượng tập thể không thành như sau:

      1. Thương lượng tập thể không thành thuộc một trong các trường hợp sau đây:

      a) Một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 70 của Bộ luật này;

      b) Đã hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật này mà các bên không đạt được thỏa thuận;

      c) Chưa hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật này nhưng các bên cùng xác định và tuyên bố về việc thương lượng tập thể không đạt được thỏa thuận.

      2. Khi thương lượng không thành, các bên thương lượng tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật này. Trong khi đang giải quyết tranh chấp lao động, tổ chức đại diện người lao động không được tổ chức đình công.

      Như vậy, nếu thương lượng tập thể không thành thì công ty bạn không phải tổ chức thương lượng lần hai mà sẽ tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp lao động.

      Nội dung thương lượng tập thể là gì?

      Căn cứ Điều 67 Bộ luật này các bên thương lượng lựa chọn một hoặc một số nội dung sau để tiến hành thương lượng tập thể:

      1. Tiền lương, trợ cấp, nâng lương, thưởng, bữa ăn và các chế độ khác;

      2. Mức lao động và thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca;

      3. Bảo đảm việc làm đối với người lao động;

      4. Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động;

      5. Điều kiện, phương tiện hoạt động của tổ chức đại diện người lao động; mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động;

      6. Cơ chế, phương thức phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động;

      7. Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ thai sản, nghỉ hằng năm; phòng, chống bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

      8. Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn