Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi sa thải trái pháp luật

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 03/07/2017

Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi sa thải trái pháp luật được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Thanh Long, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Tôi đã làm cho một công ty 100% vốn nước ngoài từ tháng 3/2007 đến ngày 21/8/2013 (ký hợp đồng lao động không thời hạn). Tuy nhiên, họ đưa đơn chấm dứt hợp đồng lao động với lý do: Tôi nghỉ 2 ngày thứ 7 trong một tháng không xin phép và một số ngày đi muộn. Lý do thứ 2 là đã không dịch văn bản như họ yêu cầu. Còn lại trong suốt quá trình làm việc tôi không vi phạm bất kỳ qui định nào của Công ty. Họ đưa thư chấm dứt hợp đồng lao động vào cuối ngày 21 tháng 8 năm 2013 và yêu cầu tôi bàn giao và nghỉ việc ngay ngày hôm đấy. Họ tính cho tôi thêm 45 ngày lương. Mong Ban biên tập tư vấn giúp tôi họ đã vi phạm những điều nào của luật lao động và tôi được bồi thường như thế nào? Xin chân thành cảm ơn!

    • Việc sa thải bạn trong trường hợp này cần phải phân tích nhiều căn cứ pháp lý mới có thể làm rõ được. Ban biên tập xin cung cấp như sau:

      Căn cứ Khoản 3 Điều 126 Bộ luật lao động 2012 thì người sử dụng lao động được áp dụng hình thức sa thải đối với người lao động trong trường hợp: “người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng”.

      Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động 2012 thì người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp “người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động”. Đồng thời, Khoản 2 Điều 13 Nghị định 44/2013/NĐ-CP quy định: “người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động là không hoàn thành định mức lao động hoặc nhiệm vụ được giao do yếu tố chủ quan và bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng, mà sau đó vẫn không hoàn thành. Mức độ không hoàn thành công việc được ghi trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động của đơn vị”.

      Theo như các quy định được chiếu trên đây thì: Công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật. Do đó, công ty phải có trách nhiệm theo Điều 42 Bộ luật lao động 2012. Cụ thể gồm:

      - Nhận bạn trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, BHXH, BHYT trong những ngày bạn không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

      - Trường hợp bạn không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản nêu trên Công ty phải trả trợ cấp thôi việc cho bạn.

      - Trường hợp công ty không muốn nhận lại bạn và bạn đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường và trợ cấp thôi việc, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

      - Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà bạn vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

      - Ngoài ra, công ty phải bồi thường cho bạn một khoản tiền tương ứng với tiền lương của bạn trong những ngày không báo trước theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn của nạn với công ty là 45 ngày làm việc.

      Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi sa thải trái pháp luật. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật lao động 2012 để hiểu rõ nội dung này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn