Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động được quy định ra sao? Thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 03/03/2022

Vui lòng cung cấp cho tôi quy định của pháp luật lao động về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động được quy định ra sao? Thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động? Thời gian nào không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động?

    • Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động được quy định ra sao?

      Nhờ cung cấp giúp mình trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động mới nhất. Cảm ơn nhé!

      Trả lời. Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động được quy định tại Khoản 6 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 và được hướng dẫn cụ thể theo quy định tại Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

      - Khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, người sử dụng lao động tiến hành lập biên bản vi phạm và thông báo đến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên, người đại diện theo pháp luật của người lao động chưa đủ 15 tuổi. Trường hợp người sử dụng lao động phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động sau thời điểm hành vi vi phạm đã xảy ra thì thực hiện thu thập chứng cứ chứng minh lỗi của người lao động.

      - Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động như sau:

      + Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, họ tên người bị xử lý kỷ luật lao động, hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật lao động đến các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động, bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp;

      + Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định thời gian, địa điểm họp;

      + Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động theo thời gian, địa điểm đã thông báo quy định tại điểm a, điểm b khoản này. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động.

      - Nội dung cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người tham dự cuộc họp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động, trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký (nếu có) vào nội dung biên bản.

      - Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Lao động, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động và gửi đến các thành phần phải tham dự quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động.

      Thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động được quy định ra sao?

      Xin hỏi, theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 thì có những nội dung nào mới phải có trong nội quy lao động? Đã có quy định phải xác định thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động chưa? Mong nhận giải đáp. Xin cảm ơn.

      Trả lời. Theo quy định khoản 2 Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động như sau:

      Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

      - Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

      - Trật tự tại nơi làm việc;

      - An toàn, vệ sinh lao động;

      - Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

      - Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;

      - Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;

      - Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;

      - Trách nhiệm vật chất;

      - Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.

      So với Bộ luật Lao động 2012 thì Bộ luật Lao động mới đã có thêm một số quy định mới trong nội quy lao động như:

      - Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

      - Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;

      - Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.

      Như vậy Bộ luật Lao động 2019 đã quy định nội quy lao động phải có quy định người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.

      Thời gian nào không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động?

      Cho mình hỏi: Thời gian nào công ty không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo Bộ luật Lao động 2019? Mình cảm ơn nhiều.

      Trả lời. Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 (Có hiệu lực ngày 1/1/2021) quy định:

      Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:

      - Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

      - Đang bị tạm giữ, tạm giam;

      - Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật này;

      - Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn