Có phải là hành vi đe dọa hay không?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 05/04/2019

Em dâu mượn nợ anh chồng không trả và khi anh chồng hỏi gia đình em dâu có trả tiền chưa và vì chuyện đó mà dọa lấy dao đòi giết anh chồng, dọa đốt nhà anh chồng. Vậy chuyện này có thuộc trường hợp đe dọa người khác không vậy? Tôi có thể đòi lại được tiền đã cho em dâu vay không?

    • Có phải là hành vi đe dọa?

      Theo ghi nhận của chúng tôi thì pháp luật hiện hành không quy định cụ thể như thế nào thì được xem là "Đe dọa". Tuy nhiên, qua tìm hiểu pháp luật thì có thể hiểu đe dọa là hành vi uy hiếp tinh thần người khác qua việc thông báo trước bằng những cách khác nhau sẽ làm hoặc không làm việc bất lợi cho họ hoặc cho người thân thích của họ nếu không thỏa mãn các đòi hỏi nhất định. Còn đe dọa giết người là hành vi làm cho người khác lo sợ rằng người đe dọa sẽ có hành vi giết người; đe dọa đốt nhà là hành vi làm cho người khác lo sợ rằng người đe sọa sẽ có hành vi đốt nhà.

      Trường hợp em dâu của bạn có hành vi dọa đốt nhà, dọa lấy dao đòi giết anh chồng có thể được xác định là một hành vi đe dọa. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì ở đây chỉ là có lời nói hăm dọa sẽ đốt nhà, sẽ lấy dao và hành vi đòi giết anh chồng qua lời nói, nên để xác định hành vi của người này có dấu hiệu của hành vi đe dọa đốt nhà, giết người hay không thì còn cần phải căn cứ vào hoàn cảnh, hành vi thể hiện ra bên ngoài của người đó cụ thể qua hành động, ảnh mắt, cử chỉ khác,... để xác định.

      Do đó: Trường hợp bạn cảm thấy hành vi của người em dâu có thể đe dọa đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của mình trong tương lai gần thì bạn có thể trình báo với chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an để họ vào cuộc xử lý và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn.

      Đòi lại tiền?

      Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì quan hệ vay tiền được xác định là một quan hệ vay tài sản được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật này và các quy định khác liên quan.

      Theo như thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì chưa có thông tin để xác định cụ thể việc vay tiền là có giấy tờ về việc vay tiền hay không, đã đến thời hạn trả nợ hay chưa, nên chúng tôi có thể phân ra các trường hợp như sau:

      - Trường hợp cho vay có giấy tờ:

      Trường hợp bạn và em dâu có phát sinh quan hệ vay tiền với bạn là bên cho vay và em dâu là bên vay có thỏa thuận về việc cho vay tiền cũng như thời hạn trả nợ cụ thể. Khi đó, em dâu của bạn có trách nhiệm trả lại khoản tiền vay và lãi (nếu có) cho bạn khi đến thời hạn vay mà hai bên đã thỏa thuận.

      Trường hợp em dâu của bạn không trả lại khoản vay và lãi cho bạn khi đến thời hạn đã thỏa thuận thì bạn có quyền khởi kiện em dâu ra Tòa án nhân dân nơi em dâu của bạn đang cư trú để được giải quyết theo thẩm quyền.

      - Trường hợp cho vay không có giấy tờ:

      Trường hợp bạn cho em dâu vay tiền mà không có giấy tờ vay mượn gì, thì chưa có cơ sở để được Tòa án thụ lý đơn khởi kiện của bạn.

      Theo quan điểm của chúng tôi, bạn nên trình báo đến với chính quyền địa phương nơi em dâu của bạn đang cư trú để cơ quan này đứng ra hòa giải và lấy ý kiến của cả hai bên. Sau khi giải quyết, cơ quan này sẽ lập biên bản xác nhận quan hệ vay tiền giữa hai người.

      Sau đó, bạn có thể gửi đơn khởi kiện kèm biên bản xác nhận này đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi em dâu của bạn đang cư trú để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

      Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn