Đền bù trong trường hợp phạt tù gây oan sai như thế nào?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 17/07/2019

Ban biên tập cho tôi hỏi, người bác của tôi 2 năm trước bị kết án về tội Gây rối trật tự công cộng với lý do cãi cự dẫn đến xô xát với người hàng xóm và từng bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó. Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên phạt bác tôi 12 tháng tù mặc dù bác tôi đã gửi đơn thư trình bày về lý lịch của mình trước đây chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính và Viện kiểm sát tương đương đã kháng nghị đối với quyết định của Tòa án nhân dân nêu trên. Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án và đình chỉ vụ án. Vậy, cơ quan nào có trách nhiệm công khai xin lỗi bác tôi và đền bù cho bác tôi như thế nào trong thời gian tù oan?

    • Về hình thức xin lỗi bác của bạn trong trường hợp này được quy định tại Khoản 1 Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2017 về hình thức phục hồi danh dự, quy định cụ thể như sau:

      “Trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai tại nơi cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc tại nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại;

      Đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.”

      Theo đó, chủ thể tiến hành trực tiếp xin lỗi công khai là Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 58 Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2017, cụ thể như sau:

      “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý hoặc yêu cầu của người bị thiệt hại về việc phục hồi danh dự quy định tại Điều 41 hoặc Điều 57 của Luật này, Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm tổ chức trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai;”

      Chủ thể tiến hành đăng báo xin lỗi công khai là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại được quy định cụ thể tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 59 Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2017, cụ thể như sau:

      “a) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý hoặc yêu cầu của người bị thiệt hại về việc phục hồi danh dự quy định tại Điều 41 hoặc Điều 57 của Luật này, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ở trung ương có trách nhiệm đăng báo xin lỗi và cải chính công khai trên 01 tờ báo trung ương và 01 tờ báo địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại trong 03 số liên tiếp; đăng tải nội dung xin lỗi và cải chính công khai trên Cổng thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;

      b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý hoặc yêu cầu của người bị thiệt hại về việc phục hồi danh dự quy định tại Điều 41 hoặc Điều 57 của Luật này, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ở địa phương có trách nhiệm đăng báo xin lỗi và cải chính công khai trên 01 tờ báo cấp tỉnh tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại trong 03 số liên tiếp; đăng tải nội dung xin lỗi và cải chính công khai trên Cổng thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;”

      Về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với bác của bạn trong trường hợp này được quy định tại Khoản 4 Điều 18 Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2017, cụ thể như sau:

      “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

      4. Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm;”

      Về căn cứ xác định trách nhiệm giải quyết bồi thường được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 36 Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2017, cụ thể như sau:

      “Tòa án cấp sơ thẩm là cơ quan giải quyết bồi thường trong các trường hợp sau đây:

      a) Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm;”

      Như vậy, Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm trách nhiệm giải quyết bồi thường cho bác của bạn trong trường hợp này.
      Căn cứ vào Điều 26 về xác định thiệt hại thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại các khoản như sau:

      - Thiệt hại do nhu cầu thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (Điều 24 Luật này);

      - Thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 26 Luật này);

      - Thiệt hại về tinh thần: (Điểm b Khoản 3 Điều 27 Luật này).

      “Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là 05 ngày lương cơ sở cho 01 ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù;”

      Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn