Việc đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước là giải pháp phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 08/04/2022

Giải pháp đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhằm phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững được quy định thế nào?

    • Giải pháp đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững

      Căn cứ Tiểu mục 6 Mục IV Điều 1 Quyết định 150/QĐ-TTg năm 2022 quy định về việc đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước như sau:

      - Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Đổi mới, hoàn thiện hệ thống bộ máy quản lý ngành. Cải cách thể chế, thủ tục hành chính, cơ quan quản lý tập trung vào xây dựng chính sách, chiến lược, pháp luật, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tháo gỡ các vấn đề về phát triển thị trường, bảo vệ sản xuất, biến đổi khí hậu; hạn chế can thiệp bằng các biện pháp hành chính vào các quyết định sản xuất, kinh doanh thuộc năng lực và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp.

      - Tập trung nhân lực, nguồn lực vào những nhiệm vụ trọng yếu trong quản lý, kiến tạo ra giá trị mới cho ngành, tăng cường phân cấp cho địa phương. Tinh giảm thủ tục, minh bạch thông tin, quy trình hóa công việc gắn với trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, tổ chức. Đổi mới tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức đảm bảo chất lượng năng lực chuyên nghiệp và đạo đức, trách nhiệm. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành nông nghiệp, hình thành cơ chế tư vấn, đối thoại chính sách thường xuyên, chính thức giữa đội ngũ chuyên gia, đại diện nông dân và doanh nghiệp với cơ quan quản lý ngành.

      - Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng triệt để trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, được đầu tư theo hiệu quả đóng góp. Đẩy mạnh xã hội hóa, phân cấp cho các tổ chức nông dân, kinh tế hợp tác và khối tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công (khuyến nông, nghiên cứu khoa học, thông tin thị trường,... gắn với kinh tế hợp tác, với hội đồng ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp,...). Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển hệ thống tư vấn, dịch vụ kỹ thuật phục vụ khách hàng tại các vùng sản xuất thuận tiện. Tập trung cán bộ và kinh phí nhà nước vào dịch vụ bảo vệ sản xuất (thú y, bảo vệ thực vật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kiểm lâm, phòng chống thiên tai...) để phòng chống dịch bệnh, quản lý rủi ro. Phối hợp đồng bộ công tác kiểm dịch, dự báo, cảnh báo, chỉ đạo can thiệp và tư vấn phòng chống, kiểm dịch cửa khẩu, kiểm soát hàng hóa, kiểm soát thị trường, kiểm dịch nội địa, kiểm tra sản xuất, thông tin dịch bệnh...

      - Đổi mới, nâng cao vai trò của Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã để thực sự trở thành đại diện bảo vệ quyền lợi và phục vụ cho nông dân và xã viên hợp tác xã. Nâng cao vị thế, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; các hội, hiệp hội nghề nghiệp, đưa các tổ chức xã hội ở nông thôn vào tham gia quá trình phát triển kinh tế xã hội, môi trường, thể chế trong nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng cộng đồng dân cư ở nông thôn hiện đại, dân chủ, công bằng, văn minh theo phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” để người dân thực sự đóng vai trò chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển.

      Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhằm phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững

      Theo Tiểu mục 7 Mục IV Điều này cũng quy định về giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhằm phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững như sau:

      - Phát triển và hướng đến đồng bộ các công cụ phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, số hóa, tạo lập dữ liệu, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

      - Phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp nông thôn. Phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản theo ứng dụng blockchain, quản lý nông sản từ quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo sự minh bạch thông tin, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Xây dựng và nhân rộng các mô hình làng thông minh, làng nông thuận thiên ứng dụng công nghệ số.

      Có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi số trong nông nghiệp. Tăng đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng chính phủ điện tử. Phát triển khuyến nông điện tử, thương mại điện tử. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong thu thập, quản lý thông tin, phân tích dữ liệu và cảnh báo dịch bệnh, thiên tai; quản lý vùng nguyên liệu.

      - Xây dựng phương án tổng thể về phát triển hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý; chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu nông nghiệp, nông thôn trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) đồng bộ, kết nối và liên thông hoàn thiện hệ thống hạ tầng cho sản xuất. Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số sản xuất, kinh doanh nông nghiệp (quản lý đất đai, số hóa vùng trồng, cây trồng, vật nuôi, rừng, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thị trường,...). Xây dựng hệ thống số hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân sinh, kinh tế, hạ tầng sản xuất, công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn... làm cơ sở cho phân tích, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư cho chuyển đổi nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn