Viên chức, bộ đội có được tham gia kinh doanh không?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 08/07/2019

Dạ em xin chào các anh chị bên Luật ạ. Hiện nay em có em gái làm bộ đội tại một nhà máy trong quân đội và 1 em là giáo viên đã được biên chế ạ. Hiện tại cả hai em đó đang tham gia kinh doanh bên cty TNHH mỹ phẩm Thường Xuân ở 19 Cát Linh, Hà Nội ạ đó là mặt hàng oriflame đó ạ. Thương hiệu nổi tiếng của Thụy Điển ạ. Vậy e xin hỏi là luật Việt Nam mình có cấm tham gia công chức, bộ đội kinh doanh không ạ?

    • Theo chúng tôi hiểu rằng, Em gái bạn một người là giáo viên đã được vào biên chế được gọi là viên chức, một người làm việc tại một nhà máy trong quân đội là gọi là công nhân quốc phòng.

      Theo quy định tại Khoản 13 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014 thì:

      "13. Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập."

      Tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:

      2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

      a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

      b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

      c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

      d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

      đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

      e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

      Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.

      3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:

      a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

      b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

      Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, viên chức (giáo viên), công nhân quốc phòng sẽ không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp nhưng được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo các quy định nêu trên.

      Bên cạnh đó, không cấm viên chức, công nhân quân nhân tham gia hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, khi kinh doanh viên chức, công nhân quốc phòng vẫn phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

      Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn