25 năm sống ở nước ngoài, có quyền về nước đòi chia thừa kế?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 14/10/2016

Trước khi mất, ông nội giao mảnh đất cho bố tôi thừa kế, nay chú tôi ở Pháp yêu cầu được chia một nửa diện tích này. Ông nội tôi sinh được 2 người con, bố tôi và người em đã định cư ở Pháp 25 năm nay. Bà tôi mất sớm, chú đi xa nên ông ở cùng gia đình tôi. Năm 1990, ông qua đời, để lại mảnh đất cho bố tôi và từ đó đến nay việc đóng thuế được thực hiện đầy đủ. Tháng 9/2015, bố tôi qua đời, để lại di chúc cho mẹ và chị em tôi ngôi nhà đó. Vài tháng sau, chú tôi dẫn con về, yêu cầu được hưởng phần thừa kế. Xin hỏi trong trường hợp này chú tôi có quyền yêu cầu được chia thừa kế không? Khúc Hồng Nhung

    • Dựa theo những thông tin bạn cung cấp có thể tạm chia thành 2 trường hợp như sau:

      - Trường hợp thứ nhất: Nếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông bạn: Vì những thông tin bạn cung cấp không nêu rõ ông bạn có để lại di chúc và di chúc đó có hợp pháp hay không nên trong trường hợp ông bà có để lại di chúc hợp pháp thì di sản được chia theo di chúc.

      Trường hợp không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì di sản thừa kế được chia theo pháp luật. Theo điều 676 Bộ luật Dân sự 2005, bố bạn, chú bạn sẽ được một phần bằng với phần của những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

      Bên cạnh đó, ông bạn đã mất cách đây khoảng 16 năm, mà theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự 2005 "thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế".

      Tuy nhiên, căn cứ quy định tại tiết a.3, điểm a khoản 2.4 mục 2 chương 1 Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/08/2004, việc áp dụng các quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện liên quan đến thừa kế không áp dụng trong trường hợp sau:

      “a. Trường hợp trong thời hạn 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:

      a.3. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung”.

      Như vậy, theo các quy định vừa trích dẫn ở trên, mặc dù đã hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế, tuy nhiên nếu đáp ứng được các điều kiện quy định tại điểm a vừa viện dẫn thì chú bạn vẫn có thể khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền để yêu cầu chia tài sản chung của các đồng thừa kế. Trong trường này tòa án sẽ áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết.

      - Trường hợp 2: Nếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bố bạn.

      Theo quy định tại Điều 166 Luật Đất Đai 2013, quyền của người sử dụng đất được nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Nếu bố bạn đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ông là chủ sử dụng mảnh đất đó, trong trường hợp này chú bạn không có quyền đòi chia tài sản thừa kế là mảnh đất.

      Trên đây là một số tình huống và cách giải quyết căn cứ theo quy định hiện hành của pháp luật về vấn đề thừa kế, bạn có thể đối chiếu để áp dụng cho trường hợp của gia đình mình.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn