Bạo hành gia đình: Cha thường xuyên bỏ đói con, không cho ông bà tiếp xúc sẽ bị xử lý như thế nào?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 10/02/2017
Kính gửi: Báo Đời Sống & Pháp Luật! Hiện tôi có một việc xin được tư vấn: Tôi có 1 đứa cháu gọi bằng cô, năm nay 10 tuổi. Từ lúc 2 tuổi cha mẹ đã ly dị, cháu sống với ba và ông bà nội, nhưng từ đó đến nay toàn bộ tiền nuôi bé từ sữa, quần áo, giày dép, tiền học... đều là do ông bà chu cấp bởi vì ba của bé không có nghề nghiệp. Mẹ ruột của bé có nghĩa vụ trợ cấp mỗi tháng là 1.000.000VNĐ, hiện đã có chồng mới và 1 đứa con. Sau đó, ba của bé cũng có vợ khác và có với nhau 1 đứa con. Ba của bé chuyển đi nơi khác sống với vợ sau được khoảng 2 năm. Thời gian đó bé sống với ông bà nội. Vào khoảng 2 năm trước vì lý do không hợp nên 2 vợ chồng lại chia tay, và hiện tại bây giờ 2 người đang làm thủ tục ly hôn. Ba của bé lại trở về nhà ông bà nội giành lại quyền nuôi con. Nhưng từ thời đó đến nay ba của bé không được bình thường, thần kinh có vấn đề. Luôn chửi bé bất cứ lý do gì, không nghề nghiệp thu nhập ổn định, và thường xuyên để bé nhịn đói, không cho ông bà nội tiếp xúc cháu. Từ 1 đứa trẻ năng động bây giờ bé chỉ sống nội tâm, không bạn bè, mỗi lần ba vui thì mới cho bé đi, con mỗi lần nổi khùng lên thì không cho đi và chửi không thương tiếc. Mỗi ngày phải nghe ba mắng nhiếc, chửi rủa đối với 1 đứa trẻ mới 10 tuổi là 1 điều không chấp nhận được. Thần kinh ba của bé có vấn đề mọi người khuyên nên đi khám bác sĩ để điều trị nhưng y không đồng ý. Với tình trạng như vậy tôi e rằng bé sẽ bị trầm cảm. Tôi là cô ruột của cháu nhưng hiện tại đang sống ở Phần Lan, vợ chồng tôi hiện chưa có con nên có ý định nhận bé làm con nuôi để lo lắng cho bé. Vài lần tôi có đề cập chuyện này với ba của bé nhưng bị từ chối. Nhưng mẹ của bé thì đồng ý vì điều kiện gia đình nên mẹ bé chưa có khả năng chăm sóc cho bé. Vậy cho tôi hỏi nếu tôi muốn nhận bé làm con nuôi thì thủ tục như thế nào? Trường hợp nếu ba bé không đồng ý tôi có thể tiếp tục tiến hành làm hồ sơ được không? Và ông bà nội có thể giành lại nuôi dưỡng và cấp dưỡng cháu được không? Vu Nguyen
    • Xin được tư vấn cho bạn:

      Thủ tục nhận con nuôi

      Điểu kiện về người nhận nuôi và người được nhận làm con nuôi

      Tại Điều 14, Luật Nuôi con nuôi quy định người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

      - Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

      - Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

      - Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

      - Có tư cách đạo đức tốt.

      Những người sau đây không được nhận con nuôi:

      - Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

      - Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

      - Đang chấp hành hình phạt tù;

      - Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

      Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định “Hơn con nuôi 20 tuổi trở lên” và “Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi”.

      Điều 8 Luật Nuôi con nuôi quy định người được nhận làm con nuôi như sau:

      - Trẻ em dưới 16 tuổi

      - Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

      - Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

      - Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.

      Thủ tục, hồ sơ

      Căn cứ quy định tại các Điều 17, 18, 19, 20, 21, 22 Luật Nuôi con nuôi và quy định chi tiết tại Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ.

      Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm:

      - Đơn xin nhận con nuôi (theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định).

      - Bản sao Hộ chiếu, Giấy CMND hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

      - Phiếu lý lịch tư pháp.

      - Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân: Nếu người xin nhận con nuôi là vợ chồng, thì phải có bản sao giấy chứng nhận kết hôn; nếu người xin nhận con nuôi là người độc thân, thì phải có văn bản xác nhận về tình trạng độc thân do UBND cấp xã, nơi người đó thường trú cấp; nếu người đó đã ly hôn, thì phải có bản sao Bản án/Quyết định ly hôn có hiệu lực của Tòa án; nếu người đó có vợ/chồng chết, thì phải có bản sao Giấy chứng tử của người chết;

      - Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp và văn bản xác nhận về hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp (trừ trường hợp người xin nhận con nuôi thuộc diện được miễn các điều kiện này theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật Nuôi con nuôi).

      - Phiếu lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe, văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi trong nước chỉ có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 6 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại UBND cấp xã.

      Hồ sơ của người được nhận làm con nuôi gồm:

      - Bản sao Giấy khai sinh;

      - Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

      - Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng không chụp quá 6 tháng;

      - Tùy từng trường hợp cụ thể mà phải có giấy tờ sau:

      + Biên bản do UBND xã hoặc Công an xã lập đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi;

      + Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em đã chết đối với trẻ em mồ côi;

      + Quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em bị mất tích đối với trường hợp trẻ em có cha, mẹ đẻ bị mất tích hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em bị mất năng lực hành vi dân sự đối với trường hợp trẻ em có cha đẻ, mẹ đẻ bị mất năng lực hành vi dân sự;

      + Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.

      Cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ: UBND cấp xã. Thời hạn giải quyết: 30 ngày, kể từ ngày UBND cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

      Lệ phí: 400.000 đồng. Miễn lệ phí đối với các trường hợp: Cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; Cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi; Nhận trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo làm con nuôi.

      Việc cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam đang thường trú ở trong nước làm con nuôi được xem xét giải quyết, nếu Việt Nam và nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú đã ký kết hoặc cùng gia nhập điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi. Việc cho người nước ngoài thường trú tại nước chưa ký kết hoặc chưa cùng gia nhập với Việt Nam điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi thì việc nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi chỉ được xem xét giải quyết, nếu xin đích danh trẻ em đang sống trong gia đình, nếu thuộc trường hợp là trẻ em mồ côi, tàn tật hoặc có quan hệ họ hàng, thân thích với người xin nhận con nuôi.

      Việc nhận con nuôi phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha mẹ đẻ đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được cha, mẹ thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người giám hộ. Nếu người được xin làm con nuôi từ 9 tuổi trở lên thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

      Ngoài những quy định trên, người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi phải có đủ điều kiện để nuôi con nuôi theo pháp luật của nước nơi người đó thường trú.

      Việc nuôi con nuôi bị từ chối trong các trường hợp sau đây:

      + Người xin nhận con nuôi không đáp ứng đủ các điều kiện nuôi con nuôi theo quy định;

      + Trẻ em được nhận làm con nuôi không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định;

      + Có căn cứ để khẳng định việc xin nhận con nuôi là nhằm mục đích mua bán trẻ em, bóc lột sức lao động của trẻ em, xâm phạm tình dục đối với trẻ em hoặc nhằm mục đích trục lợi khác.

      Trường hợp cơ quan đại diện từ chối đăng ký việc nuôi con nuôi thì phải giải thích rõ lý do.

      Khi quyết định của toà án về việc chấm dứt nuôi con nuôi có hiệu lực pháp luật thì cơ quan đại diện phải ghi việc chấm dứt nuôi con nuôi vào sổ hộ tịch.

      Những giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc xác nhận phải được Vụ Lãnh sự Bộ Ngoại giao nước tiếp nhận hoặc cơ quan khác được uỷ quyền chứng thực.

      Lưu ý: Luật pháp nhiều nước quy định việc nuôi con nuôi làm chấm dứt hoàn toàn các quan hệ giữa người được nhận làm con nuôi với cha mẹ đẻ. Tuy nhiên, phù hợp với truyền thống dân tộc, luật pháp Việt Nam cho phép duy trì một số quan hệ pháp lý giữa người được nhận làm con nuôi với cha mẹ đẻ như quyền thừa kế (Điều 679 Bộ luật dân sự).

      Như vậy, trong trường hợp của bạn, cháu bạn vẫn còn cha mẹ và cha cháu không đồng ý chấp nhận việc thỏa thuận cho nhận con nuôi thì dù con có mong muốn và người nhận con nuôi đủ điều kiện thì cũng không hợp pháp.

      Ông bà nội có thể giành lại nuôi dưỡng và cấp dưỡng cháu được không?

      Theo quy định tại Điều 71, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2013 thì quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái trước tiên thuộc về cha, mẹ của cháu, cụ thể như sau:

      “Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng

      1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

      2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.”

      Điều 85. Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên - Bộ luật dân sự 2013

      “1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

      a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

      b) Phá tán tài sản của con;

      c) Có lối sống đồi trụy;

      d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

      2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.”

      Ông, bà nội chỉ đương nhiên được quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng và cấp dưỡng cháu khi ba thuộc trường hợp bị hạn chế quyền đối với con chưa thanh niên không có anh chị em có thể nuôi dưỡng (Điều 104 Luật hôn nhân gia đình 2013).

      Theo thông tin bạn cung cấp: Hiện “ba của bé không được bình thường, thần kinh có vấn đề. Luôn chửi bé bất cứ lý do gì, không nghề nghiệp thu nhập ổn định, và thường xuyên để bé nhịn đói, không cho ông bà nội tiếp xúc cháu.

      Từ 1 đứa trẻ năng động bây giờ bé chỉ sống nội tâm, không bạn bè, mỗi lần ba vui thì mới cho bé đi, con mỗi lần nổi khùng lên thì không cho đi và chửi không thương tiếc”.

      Như vậy, mẹ cháu, bạn (cô cháu bé) hoặc ông bà nội của cháu có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha đối với cháu. Khi có yêu cầu mà có một trong các căn cứ tại Điều 85 thì Tòa án ra quyết định hạn chế quyền cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

      Luật Gia Đồng Xuân Thuận

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn