Bị bạn làm gãy tay ở lớp, ai có trách nhiệm bồi thường?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 30/08/2016
Tôi có bé trai 3 tuổi. Tháng 3 năm 2015 cháu đi học bị các bạn đẩy ngã gãy tay ngay trong lớp học, gia đình đã chữa trị cho cháu khỏi. Xin có 2 câu cần tư vấn như sau: 1. Cháu bị gãy tay ngay trong lớp học, trách nhiệm của nhà trường đối với cháu như thế nào khi để xảy ra sự việc? 2. Thời điểm cháu tai nạn, thẻ Bảo hiểm y tế bị mất, thời gian làm lại quá lâu nên gia đình đã chữa trị cho cháu 100% bằng dịch vụ (không còn thẻ để sử dụng Bảo hiểm y tế). Xin hỏi số tiền này cơ quan Bảo hiểm có chi trả hay không?
    • Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

      Về trách nhiệm của nhà trường khi xảy ra sự việc trên. Theo Điều 621 BLDS 2005 quy định về Bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý.

      1. Người dưới mười lăm tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

      2. Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, tổ chức khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

      3. Trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu trường học, bệnh viện, tổ chức khác chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hình vi dân sự phải bồi thường.

      Như vậy, trong trường hợp này con bạn bị các bạn xô ngã trong lớp dẫn đến gãy tay, nghĩa là đã có thiệt hại do học sinh trong trường học gây ra và theo quy định trên thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra đối với con bạn.

      Sau khi nhà trường chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của các bạn xô ngã con bạn trong lớp sẽ phải bồi thường.

      Các khoản bồi thường được Bộ luật Dân sự quy định tại Điều 609 BLDS, theo đó con bạn sẽ nhận được các khoản bồi thường bao gồm các chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc cho con bạn trong thời gian điều trị. Tuy nhiên để có thể nhận được các khoản bồi thường trên thì bạn phải tiến hành các thủ tục khởi kiện tại Tòa án.

      Vì vậy, cách tốt nhất là bạn và gia đình nên tiến hành thương lượng với nhà trường về mức bồi thường đối với cháu bé. Nếu gia đình và nhà trường không thỏa thuận được thì bạn có thể khởi kiện ra tòa để đảm bảo quyền lợi cho cháu bé.

      Về quyền lợi của người được cấp thẻ Bảo hiểm y tế được quy định tại Điều 18 Luật Bảo hiểm y tế 2008 như sau:

      "Điều 18. Cấp lại thẻ bảo hiểm y tế

      1. Thẻ bảo hiểm y tế được cấp lại trong trường hợp bị mất.

      2. Người bị mất thẻ bảo hiểm y tế phải có đơn đề nghị cấp lại thẻ.

      3. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại thẻ, tổ chức bảo hiểm y tế phải cấp lại thẻ cho người tham gia bảo hiểm y tế. Trong thời gian chờ cấp lại thẻ, người có thẻ vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

      4. Người được cấp lại thẻ bảo hiểm y tế phải nộp phí. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức phí cấp lại thẻ bảo hiểm y tế."

      Theo Thông Tư Liên Tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC, Điều 15. Hồ sơ đề nghị thanh toán bảo

      1. Giấy đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT lập theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.

      2. Các thủ tục, giấy tờ theo quy định tại Điều 8 Thông tư này. Nếu con bạn mất thẻ bảo hiểm y tế thì xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh.

      3. Giấy ra viện.

      4. Bản chính các chứng từ hợp lệ (hóa đơn mua thuốc, hóa đơn thu viện phí và các chứng từ có liên quan).

      Bạn nộp hồ sơ tại cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú.

      Thời hạn giải quyết: 40 ngày kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận được đủ hồ sơ nghị thanh toán theo khoản 2 Điều 16 TTLT số 41/2014/TTLT-BYT-BTC.

      Với quy định nêu trên, nếu khi nhập viện không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng sau đó bạn đã nộp thẻ mới cho cơ sở y tế thì con bạn vẫn được cơ quan bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, do tự nguyện khám chữa bệnh dịch vụ nên tiền khám chữa bệnh dịch vụ này sẽ không được bảo hiểm chi trả.

      Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.

      Luật gia Đồng Xuân Thuận

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn