Bị bố mẹ từ mặt có được chia thừa kế?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 30/08/2016
Ông bà tôi có 2 người con trai, bố tôi là con cả. Do mâu thuẫn nội bộ gia đình, ông bà nội tôi từ mặt bố, không nhận làm con nữa, nhưng chỉ tuyên bố trước cả nhà chứ không có giấy tờ xác định. Nay ông bà tôi mất, để lại di chúc cho chú út tôi toàn bộ mảnh đất ông bà đang ở. Vậy xin hỏi theo quy định của pháp luật bố tôi có được quyền được thừa kế nữa không? Lê Minh Châu
    • Khái niệm “từ con” có thể hiểu là việc cha mẹ muốn chấm dứt quan hệ với con, không coi đó là con của mình nữa. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật trước đây cũng như hiện tại đều không cho phép thực hiện hành vi này (trừ trường hợp cha, mẹ có chứng cứ chứng minh được đó không phải là con mình và đã được chấp nhận bằng quyết định hoặc bản án của Tòa án có thẩm quyền).

      Đối chiếu với trường hợp của gia đình bạn dù ông, bà bạn đã thông báo với dòng họ, hàng xóm về việc “từ mặt” bố bạn thì cũng chỉ là công khai một xung đột gia đình chứ về mặt pháp lý, giữa ông bà và bố bạn không thể mất đi quan hệ cha mẹ với con cái được.

      Do đó, việc ông, bà “từ mặt” bố bạn sẽ không ảnh hưởng đến quyền thừa kế của bố bạn mà phụ thuộc vào tính hợp pháp của di chúc mà ông, bà bạn để lại, cụ thể vấn đề của gia đình bạn có thể chia làm hai trường hợp như sau:

      - Trường hợp thứ nhất, giả sử bản di chúc mà ông, bà bạn để lại là hợp pháp theo quy định tại Điều 652 BLDS năm 2005 thì việc phân chia di sản sẽ được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc (là ông, bà của bạn). Do đó, trong trường hợp này bố bạn không được quyền đòi chia mảnh đất mà ông bà bạn để lại.

      Điều 652 BLDS 2005 quy định về di chúc hợp pháp như sau:

      “1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

      a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

      b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

      2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

      3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

      4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

      5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực”.

      - Trường hợp thứ hai, nếu bản di chúc ông bà bạn để lại không có hiệu lực pháp luật, lúc này tài sản ông bà để lại trong di chúc sẽ được chia theo pháp luật. Trong trường hợp này di sản của ông bà bạn để lại sẽ được chia làm hai phần, bố bạn sẽ được hưởng một nửa di sản di sản đó (Điều 676 BLDS 2005).

      Luật sư, Thạc sỹ Phạm Thanh Bình
      Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn