Cách nào gây sức ép đòi nợ mà không phạm pháp?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 16/09/2016
Cách đây 2 năm, tôi cho bạn vay số tiền lớn, có biên nhận, theo thỏa thuận tháng 6/2015 phải hoàn trả đầy đủ. Tới giờ quá hạn đã lâu nhưng người vay lờ việc thanh toán và liên tục tránh mặt. Tôi biết nhiều người đã gây sức ép đòi tiền bằng việc ném chất thải, thuê người dằn mặt... nhưng tôi không muốn áp dụng. Xin hỏi, pháp luật quy định việc đòi nợ hợp pháp như thế nào?
    • Khi cho vay tiền, theo quy định của pháp luật dân sự, giữa hai người đã hình thành một hợp đồng vay tài sản.

      Theo Điều 474 Bộ luật dân sự 2005, người vay tiền có nghĩa vụ trả lại cho bạn số tiền đã vay (gốc và lãi - nếu có thỏa thuận). Do những thông tin bạn cung cấp chưa cụ thể nên có thể tạm chia thành hai trường hợp như sau:

      - Trường hợp thứ nhất, nếu người vay tiền có hành vi gian dối ngay từ khi thực hiện giao dịch hoặc có hành vi tẩu tán tài sản, bỏ trốn... nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng khoản tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả thì hành vi của người đó có dấu hiệu tội phạm (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999).

      Trong trường hợp này, bạn cần làm đơn tố giác tội phạm gửi cơ quan điều tra, đề nghị điều tra, xử lý người vay tiền. Theo Điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Nếu cơ quan điều tra xử lý người vay bằng biện pháp hình sự thì quá trình giải quyết vụ án sẽ giải quyết đồng thời việc bồi thường cho những người bị hại do hành vi phạm tội đó gây ra.

      - Trường hợp thứ hai, nếu người vay tiền không có dấu hiệu phạm tội, việc cho vay tiền giữa bạn và người bạn đó chỉ là giao dịch dân sự bình thường. Việc không trả được nợ đúng hạn là do làm ăn thua lỗ hoặc do các tác động khách quan khác..., bạn có quyền khởi kiện người vay ra tòa án, đề nghị xử buộc trả lại tiền (cả gốc và lãi nếu có thỏa thuận).

      Đây là giao dịch vay tài sản không có tài sản bảo đảm nên sau khi bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án tuyên buộc bên vay phải trả tiền cho bạn thì những tài sản của người vay (nếu có) sẽ được cơ quan thi hành án dân sự kê biên, phát mại để trả cho những người bị hại. Nếu tài sản của người phải thi hành án đã được đem cầm cố, thế chấp để vay vốn ngân hàng thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ ưu tiên trả các khoản nợ có bảo đảm cho ngân hàng, khoản tiền còn thừa mới được trả nợ cho bạn và những người bị hại khác.

      Trên đây là một số tình huống và cách giải quyết căn cứ theo quy định hiện hành của pháp luật về việc vay mượn tài sản, bạn có thể đối chiếu để áp dụng cho phù hợp với trường hợp của mình.

      Bạn cần lưu ý không được đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” vì đó là vi phạm pháp luật. Người tự mình đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” hoặc thuê “xã hội đen” đòi nợ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản hoặc tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự 1999.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn