Cha mẹ chưa đủ tuổi kết hôn có được làm giấy khai sinh cho con không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 20/08/2022

Cha mẹ chưa đủ tuổi kết hôn có được làm giấy khai sinh cho con không? Thủ tục đăng ký khai sinh cho con như thế nào? Hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, con bao gồm những gì? 

Em năm nay 19 tuổi, vợ em 18 tuổi. Em và vợ đã chung sống với nhau từ năm ngoái và có 1 bé trai vừa sinh vào ngày 08/08/2022. Nên em có thắc mắc là khi em và vợ chưa đủ tuổi để đăng ký kết hôn thì chúng em có được làm giấy khai sinh cho con không? 

Mong anh chị Luật sư tư vấn giúp vợ chồng em. Em cảm ơn. 

    • 1. Cha mẹ chưa đủ tuổi kết hôn có được làm giấy khai sinh cho con không?

      Căn cứ Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định điều kiện kết hôn, cụ thể như sau:

      1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

      a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

      b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

      c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

      d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

      2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

      Tại Điều 30 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền được khai sinh, khai tử, cụ thể như sau:

      1. Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh.

      2. Cá nhân chết phải được khai tử.

      3. Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.

      4. Việc khai sinh, khai tử do pháp luật về hộ tịch quy định.

      Theo Điều 13 Luật trẻ em 2016 có quy định về quyền được khai sinh và có quốc tịch, như sau:

      Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.

      Như vậy, việc khai sinh là quyền của trẻ em, không phân biệt trẻ được sinh ra trong hoàn cảnh hay tình huống nào kể cả việc khi bố mẹ vẫn chưa tuổi để thực hiện đăng ký kết hôn. Trong trường hợp này khi đăng ký khai sinh trên giấy khai sinh của con sẽ chỉ ghi tên người mẹ.

      2. Thủ tục đăng ký khai sinh cho con như thế nào?

      Tại Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 quy định thủ tục đăng ký khai sinh, như sau:

      1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

      2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

      Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

      3. Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, trẻ em sinh ra do mang thai hộ; việc xác định quê quán của trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ.

      Theo đó, khi muốn thực hiện việc khai sinh cho con thì cá nhân thực hiện cần chuẩn bị đầy đủ tất cả các giấy tờ nêu trên để được cấp giấy khai sinh cho con.

      3. Hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, con bao gồm những gì?

      Theo Điều 15 Thông tư 04/2020/TT/BTP quy định việc kết hợp giải quyết việc đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con:

      1. Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.

      Trường hợp đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con mà một bên có yêu cầu là người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.

      2. Hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con bao gồm:

      a) Tờ khai đăng ký khai sinh, Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;

      b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật hộ tịch;

      c) Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 14 của Thông tư này.

      3. Trình tự, thủ tục giải quyết việc đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 16 và Điều 25 Luật hộ tịch trong trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã; theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 36 và Điều 44 Luật hộ tịch trong trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

      Nội dung đăng ký khai sinh xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và Điều 6 Thông tư này. Giấy khai sinh và Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con được cấp đồng thời cho người yêu cầu.

      Thế nên, khi bạn muốn thực hiện hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con bao gồm tờ khai đăng ký khai sinh, tờ khai đăng ký nhận cha, con; Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế Giấy chứng sinh và Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn