Chiếm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ép người khác đưa tiền là phạm luật?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 24/11/2016

Mẹ tôi mất sớm, bố tôi một mình nuôi các con. Khi bố tôi bị ốm nặng, chúng tôi còn nhỏ, bố đã phải đem sổ đỏ mảnh đất đang ở gửi cho chú ruột tôi giữ hộ. Sau đó bố tôi qua đời. Nay, chúng tôi đã trưởng thành, muốn xin lại sổ đỏ mà chú giữ hộ. Chú yêu cầu phải đưa 10 triệu đồng mới trả lại sổ; chúng tôi không đồng ý vì đó là tài sản bố nhờ chú giữ hộ. Thế là chú quay ngoắt nói là không cầm sổ đỏ của bố tôi. Vậy xin hỏi, tôi có thể khởi kiện chú được không? Nguyễn Thị Phương (huyện Phúc Thọ)

    • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hay còn gọi là "sổ đỏ" không phải là tài sản. Vì theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Dân sự 2005 thì “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. GCNQSDĐ không phải là tiền. Đó chỉ là sự xác nhận về quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức, bản thân nó cũng không phải là quyền sử dụng đất. GCNQSDĐ cũng không phải là giấy tờ có giá.

      Như vậy, sổ đỏ chỉ là căn cứ để xác nhận quyền sử dụng đất. Do đó, hành vi giữ sổ đỏ của người khác không đủ yếu tố để cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999. Trường hợp hành vi chiếm đoạt đó gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn đối với quyền sử dụng đất đó thì bạn yêu cầu chú bạn trả lại giấy tờ. Nếu chú bạn vẫn không trả thì bạn có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại GCN do bị mất (quy định tại Điều 77 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15-4-2014), quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013, cụ thể:

      “1. Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với UBND cấp xã nơi có đất về việc bị mất GCN, UBND cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất GCN tại trụ sở UBND cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.

      2. Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất GCN tại trụ sở UBND cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất GCN nộp một bộ hồ sơ đề nghị cấp lại GCN.

      3. Văn phòng Đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Nghị định này ký quyết định hủy GCN bị mất, đồng thời ký cấp lại GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; …”.

      Hành vi dùng sổ đỏ để ép người khác phải đưa tiền hoặc tài sản có thể bị coi là hành vi dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, và có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135, Bộ luật Hình sự 1999.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn