Chồng có được giành quyền nuôi con dưới 3 tuổi khi ly hôn?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 15/03/2019

Vợ chồng tôi sống chung nhau (có đăng ký kết hôn) cùng với đứa con riêng của vợ, từ khi vợ tôi sinh bé thứ 2 (con chung 2 vợ chồng) được 2 tháng thì vợ tôi cùng đứa con riêng bỏ về bên em vợ sống, lấy lý do là chăm sóc cho đứa con riêng nên ở bên đó và lâu lâu mới về nhà, bỏ mặc 1 mình tôi chăm sóc con nhỏ tới nay. Năm 2018, vợ tôi lấy lý do tôi không thương yêu chăm sóc cho con riêng nên gửi đơn xin ly hôn và sau đó Tòa hòa giải thành. Sau đó vợ tôi vẫn không chịu về nhà sống để cùng tôi chăm sóc con, lâu lâu mới về thăm con 1-2 ngày. Nay vợ tôi lấy lý do tôi bỏ bê không chăm sóc con, nói tôi không cho về nhà thăm con và đòi ly hôn giành quyền nuôi con. Trong khi tôi luôn chăm sóc con tôi kỹ càng từ lúc bé sinh đến giờ được 23 tháng và bé lớn khôn không bị bệnh tật gì, chìa khóa nhà thì vợ tôi có nhưng vợ tôi không thèm mở mà bày trò gọi cửa ra vẻ là tôi không cho vào nhà để hàng xóm thấy. Hàng xóm chỗ tôi thì biết rõ mọi việc vợ tôi đã bỏ đi và hằng ngày vẫn thường xuyên về xóm tôi ngồi lê đặt điều nói xấu chồng. Tôi thì muốn gìn giữ gia đình và không muốn làm tổn thương cho con cái sau này nên tôi không đồng ý ly hôn.

Vậy trong trường hợp của tôi thì Tòa án có giải quyết cho ly hôn đơn phương không khi hòa giải không thành và tòa án có xét cho tôi được quyền nuôi con không trong trường hợp xử ly hôn. Tôi phải làm những gì để được tiếp tục trực tiếp nuôi con khi bé mới chỉ được 23 tháng tuổi.

    • Chồng có được giành quyền nuôi con dưới 3 tuổi khi ly hôn?
      (ảnh minh họa)
    • Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định:

      Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

      Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

      1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

      2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

      3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

      Như vậy, nếu xét thấy mục đích hôn nhân của hai bạn không đạt được thì tòa án sẽ xem xét cho ly hôn. Ở đây về nguyên tắc thì con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

      Theo như bạn trình bày thì người mẹ chưa hoàn thành nghĩa vụ chăm sóc đối với đứa bé, và bạn lại chăm sóc con rất tốt, do đó bạn và vợ có thể thỏa thuận về người nuôi con. Trường hợp không thỏa thuận được thì bạn cần đưa ra những căn cứ để chứng minh việc vợ bạn không có điều kiện cũng như không thực hiện đúng nghĩa vụ nuôi dưỡng con, bỏ mặc con để cho bạn chăm lo, khi đó Tòa án xem xét cho bạn nuôi con là có cơ sở.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn