Chồng vay tài sản của vợ được trả một nửa khoản vay đúng không? Bị lừa nuôi con do vợ ngoại tình có được đòi lại chi phí không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 14/04/2022

Người đang đi tù có bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn không? Chồng vay tài sản của vợ được trả một nửa khoản vay đúng không? Bị lừa nuôi con do vợ ngoại tình có được đòi lại chi phí không?

    • Chồng vay tài sản của vợ được trả một nửa khoản vay đúng không? Bị lừa nuôi con do vợ ngoại tình có được đòi lại chi phí không?
      (ảnh minh họa)
    • Người đang đi tù có bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn không?

      Bạn Nga - Nam Định hỏi như sau: Có 1 số trường hợp bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn, cho hỏi người đang đi tù thì có bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn không?

      Trả lời:

      Người chấp hành án là người bị kết tội và phải chịu hình phạt theo bản án đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy họ sẽ bị hạn chế một số quyền như quyền bầu cử, ứng cử,…

      Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014' onclick="vbclick('3A430', '362413');" target='_blank'>Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

      - Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

      - Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

      - Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

      => Quy định này chỉ hạn chế quyền yêu cầu ly hôn đơn phương của người chồng khi vợ đang có thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

      Như vậy, người đang đi tù không bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn.

      Chồng vay tài sản của vợ được trả một nửa khoản vay đúng không?

      Chào luật sư. Tôi có vấn đề thắc mắc muốn được tư vấn. Vợ chồng tôi cưới nhau vào 2018, chỉ có vàng cưới của 2 bên gia đình cho là tài sản chung. Số tiền vàng nhà chồng cho là 12 chỉ, và bị chồng tôi lấy lại hết. Sau 2 tháng cưới nhau, chồng tôi ngỏ ý vay mượn số vàng cưới nhà vợ cho trong vòng 1 tháng (4 miếng vàng SJC 9999 và 16.5 chỉ) để làm ăn. Nhưng trong suốt quá trình sống chung, chồng không phụ giúp bất kỳ khoản chi tiêu hay sinh hoạt nào trong gia đình. Đến nay đã gần 2 năm và chưa trả lại số vàng đó. Bây giờ vợ chồng có nhiều mâu thuẫn quyết định li dị, thì chồng tôi chỉ đồng ý trả lại tiền mặt với 50% giá trị tại thời điểm vay mượn, chứ không đồng ý trả lại vàng. Vậy theo luật pháp tôi có được đòi lại toàn bộ số vàng đó hay tiền mặt đúng với giá trị tại thời điểm trả nợ không? Xin luật sư tư vấn cho tôi.

      Trả lời:

      Do bạn không cung cấp rõ thông tin về nguồn gốc số tiền mà chồng cũ của bạn đã vay bạn (số tiền bố mẹ bạn cho riêng bạn hay tặng cho 2 vợ chồng bạn trong ngày cưới) nên không xác định được số vàng mà chồng bạn vay là tài sản chung hay là tài sản riêng của bạn.

      *Trường hợp 1: Số vàng chồng cũ bạn vay là tài sản riêng của bạn.

      - Đây thực chất là giao dịch vay tài sản.

      Theo Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định nghĩa vụ trả nợ của bên vay, cụ thể như sau:

      - Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

      - Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

      - Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

      - Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

      - Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

      + Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

      + Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

      Như vậy, khi chồng bạn vay vàng của bạn thì chồng cũ của bạn phải trả đúng số vàng đã mượn (nếu bạn đồng ý cho chồng bạn trả lại số vàng đã mượn đó bằng tiền thì chồng bạn cũ được trả bằng tiền thay số tiền cho bạn).

      *Trường hợp 2. Số vàng chồng cũ của bạn vay là tài sản chung của 2 vợ chồng.

      Vì đây là tài sản chung của 2 vợ chồng khi chồng bạn mượn số vàng đó để sử dụng việc riêng mà bạn đồng ý thực chất không phải hành vi vay mượn (Luật hôn nhân và gia đình 2014).

      Nên chồng cũ của bạn không có nghĩa vụ phải trả lại số tiền đó khi ly hôn.

      Bị lừa nuôi con do vợ ngoại tình có được đòi lại chi phí không?

      Con trai tôi năm nay 3 tuổi, gần đây tôi mới biết đây không phải con ruột của mình, là con của vợ tôi và người yêu cũ. Vậy nếu ly hôn, tôi có thể đòi vợ tôi trả lại phần tiền tôi bỏ ra để nuôi con với cô ta hay không?

      Trả lời:

      Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau:

      - Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

      Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

      Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

      - Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

      Như vậy, em bé được xác định là con chung của bạn và vợ. Nếu bạn không thừa nhận đứa trẻ này là con chung thì phải có chứng cứ cụ thể và phải được Tòa án xác định đứa trẻ không phải là con chung của vợ chồng.

      Khi đứa trẻ được Tòa án xác định không phải là con bạn thì bạn không có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc đứa trẻ đó.

      Về việc đòi lại chi phí đã nuôi đứa trẻ

      - Hiện nay, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không quy định về vấn đề này.

      - Khoản 1 Điều 275 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ phát sinh từ căn cứ sau đây:

      + Hợp đồng;

      + Hành vi pháp lý đơn phương;

      + Thực hiện công việc không có uỷ quyền;

      + Chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật;

      + Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật;

      + Căn cứ khác do pháp luật quy định.

      Như vậy, hành vi lừa dối của vợ bạn không thuộc các căn cứ đã nêu ở trên.

      - Đối với tình huống của bạn, hiện tại em bé vẫn được xác định là con chung của hai vợ chồng vì chưa có quyết định của Tòa án xác định không phải con chung. Bạn có nghĩa vụ phải chăm sóc, giáo dục con theo quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Hơn nữa, hành vi lừa dối của vợ bạn không thuộc vào các căn cứ phát sinh nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Dân sự.

      Do đó, nếu bạn có yêu cầu đòi lại chi phí thì vợ bạn không có nghĩa vụ phải hoàn trả cho bạn số tiền bạn đã bỏ ra để nuôi đứa trẻ.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn