Có bị tịch thu ôtô vì bán cho người phạm tội?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 09/09/2016
Tôi bán một ôtô theo hình thức trả góp và chưa sang tên. Vừa qua, người mua phạm tội, chiếc xe cùng số tiền anh ta đã trả dần cho tôi bị tịch thu vì bị xác định tiền do lừa đảo mà có. Tôi phải làm sao để bảo vệ quyền lợi của mình?
    • Theo điểm b khoản 1 Điều 41 Bộ luật hình sự, "vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có" phải bị tịch thu. Trong trường hợp bạn hỏi, khách hàng đã dùng tiền lừa đảo được để mua trả góp xe ôtô nên việc cơ quan tiến hành tố tụng tịch thu khoản tiền do phạm tội mà có là đúng quy định, nhưng việc tịch thu xe ôtô là không đúng.

      Theo quy định tại khoản 2 Điều 439 Bộ luật Dân sự: “Đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó”.

      Khoản 1 Điều 461 Bộ luật Dân sự cũng quy định: “Các bên có thể thoả thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận vật mua; bên bán được bảo lưu quyền sở hữu của mình đối với vật bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Theo đó, người mua chưa thanh toán đủ tiền mua xe cũng như chưa hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu xe nên chiếc xe vẫn thuộc quyền sở hữu của bạn.

      Mặt khác, do người mua mới trả được một phần khoản tiền bán xe nên việc thu cả chiếc xe là không đúng. Trong trường hợp này, cơ quan điều tra chỉ có thể thu khoản tiền mà người mua đã trả cho bạn (tính đến thời điểm vụ án bị phát hiện)

      Để đòi lại chiếc xe đang bán trả góp bị tịch thu, bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi Thủ trưởng cơ quan điều tra đã ra quyết định thu giữ chiếc xe để được giải quyết theo quy định tại Điều 329 Bộ luật tố tụng hình sự. Cụ thể

      - Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của điều tra viên, phó thủ trưởng cơ quan điều tra do thủ trưởng cơ quan điều tra xem xét, giải quyết trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cùng cấp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.

      - Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của thủ trưởng cơ quan điều tra và các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn do Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.

      Ngoài ra, nếu việc tịch thu số tiền bán xe gây thiệt hại cho bạn, bạn có quyền đề nghị tòa án buộc người mua bồi thường với tư cách nguyên đơn dân sự khi tham gia vào việc giải quyết vụ án.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn