Cô không để lại di chúc thì cháu ruột được nhận thừa kế không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 17/01/2022

Cô không để lại di chúc thì cháu ruột được nhận thừa kế không? Người quản lý di sản có được hưởng di sản thừa kế không? Chưa có hôn thú có được nhận di sản thừa kế của vợ không?

    • Cô không để lại di chúc thì cháu ruột được nhận thừa kế không?

      Chồng tôi mồ côi cha mẹ, ở với người cô ruột từ nhỏ. Cô tôi không lấy chồng và ở vậy nuôi chồng tôi. Khi già yếu vợ chồng tôi phụng dưỡng cô như cha mẹ mình. Trong sổ hộ khẩu gia đình chỉ có tên cô cùng vợ chồng tôi và 3 đứa con của chúng tôi. Cô còn 3 người anh chị em ruột. Khi cô mất không để lại di chúc. Tôi muốn hỏi về số đất đai do cô chồng tôi đứng tên tôi có được thừa kế hay không?

      Trả lời: Khoản 1a Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc.

      Theo Điều 651 Bộ luật này thì:

      1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

      a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

      b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

      c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

      2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

      3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

      Như vậy, nếu cô bạn chết không để lại di chúc thì tài sản sẽ được chia theo pháp luật, theo trình bày thì cô còn 3 người anh chị em ruột nên di sản sẽ chia cho những người này (hàng thừa kế thứ 2). Chỉ khi không còn ai ở hàng thứ kế thứ nhất và thứ hai thì cháu mới được chia.

      Người quản lý di sản có được hưởng di sản thừa kế không?

      Xin cho tôi hỏi: Di chúc bà ngoại để lại có tên dì tôi là người giữ hộ, quản lý di sản đến khi tôi 18 tuổi (khi tôi 18 tuổi phải giao di chúc và di sản cho tôi). Vậy dì tôi có quyền gì trong di chúc không? Lúc dì tôi đưa lại di chúc cho tôi yêu cầu tôi đưa dì tôi 20 triệu mới trả tờ di chúc, lúc đó tôi có đưa cho dì tôi 20 triệu nhưng bây giờ dì tôi lại yêu cầu chia di sản. Vậy tôi có phải chia di sản cho dì tôi không?

      Trả lời: Theo thông tin bạn cung cấp thì trong di chúc của bà ngoại của bạn quyết định dì bạn là người giữ di chúc và quản lý tài sản đến khi bạn 18 tuổi, nhưng vậy dì bạn có quyền quản lý di sản của bà ngoại bạn để lại đến khi bạn 18 tuổi với những quyền quy định tại Khoản 1 Điều 618 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể như sau:

      - Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;

      - Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;

      - Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

      Lưu ý: Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.

      Như vậy, khi bạn 18 tuổi dì bạn chỉ nhận được thù lao quản lý và chi phí bảo quản di sản (nếu có). Và dì bạn không được hưởng hay yêu cầu chia di sản của bà ngoại bạn đã để lại trong di chúc.

      Chưa có hôn thú có được nhận di sản thừa kế của vợ không?

      Xin chào Luật Sư. Tôi có vấn đề thắc mắc về việc nhận con đẻ và nhận quyền thừa kế và nuôi dưỡng. Vấn đề là dì tôi có quan hệ với 1 người đàn ông nước ngoài không có hộ tịch Việt Nam, sau đó có sinh ra 1 bé gái, năm nay bé 6 tuổi. Nhưng do dì tôi và người đàn ông này không có hôn thú, do vậy trên giấy khai sinh chỉ có tên mẹ là dì tôi, không có tên cha. Nay bé đang sống cùng và được nuôi dưỡng bởi gia đình tôi. Nay cha bé đang muốn làm thủ tục nhận lại con. Nhưng vấn đề là trước khi dì tôi mất có để lại tài sản thừa kế nhưng không có chứng từ ủy quyền cho bất kỳ ai, chỉ ủy quyền qua miệng cho gia đình tôi giữ và trông nom bé đến năm 18 tuổi thì sẽ trao lại cho cháu. Nay cha bé muốn làm thủ tục nhận lại con đẻ, và lấy lý do là muốn dễ dàng đi lại để về Việt Nam thăm con. Nhưng theo chúng tôi biết bản thân cha bé không có khả năng tài chính để nuôi bé, do vậy chúng tôi nghĩ cha bé muốn nhận bé để hưởng tài sản thừa kế của bé mà thôi chứ không phải để chăm sóc bé. Do vậy luật sư cho tôi hỏi là: Nếu sau khi cha bé nhận được con chính thức thì cha bé có thể đòi chia di sản thừa kế không?

      Trả lời: Theo Khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 quy định di chúc miệng hợp pháp như sau:

      => Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

      Theo thông tin bạn cung cấp thì dì bạn chỉ để lại di chúc miệng có sự chứng kiến của gia đình bạn nhưng sau đó gia đình bạn không ghi chép và công chứng bản ghi đó, cho nên di chúc miệng của dì bạn để lại là không hợp pháp.

      Như vậy, di sản của dì bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật (Điểm b Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015).

      Mặt khác, tại Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

      - Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

      - Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

      - Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

      Căn cứ thông tin bạn cung cấp người ngoại quốc cha của cháu bạn chưa có đăng ký kết hôn (hôn thú) với dì bạn nên cha của cháu bạn không có quyền hưởng di sản của dì bạn để lại nhé. Cháu bạn và cha mẹ của dì bạn (nếu còn sống) sẽ là những người thừa kế di sản này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn