Có phải bồi thường thiệt hại với trường hợp máy tính bàn bị chập điện dẫn đến cháy nhà hàng xóm không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 24/12/2022

Có phải bồi thường thiệt hại với trường hợp máy tính bàn bị chập điện dẫn đến cháy nhà hàng xóm hay không? Có thể xem máy tính bàn bị chập điện dẫn đến cháy nhà hàng xóm là trường hợp bất khả kháng để miễn bồi thường thiệt hại hay không? Cá nhân cần đảm bảo thực hiện các nguyên tắc về bồi thường thiệt hại thế nào?

Cách đây hai hôm, máy tính bàn nhà chú tôi bị chập điện dẫn đến cháy nhà và cháy sang nhà hàng xóm đằng sau. Rất may là đám cháy không lan đến bình gas, và mọi người trong nhà lúc đó đều đi vắng. Tôi muốn hỏi, với trường hợp này chú tôi có phải bồi thường thiệt hại cho nhà hàng xóm phía sau không?

Mong nhận giải đáp. Tôi cảm ơn.

    • Có phải bồi thường thiệt hại với trường hợp máy tính bàn bị chập điện dẫn đến cháy nhà hàng xóm hay không?

      Căn cứ tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:

      Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

      1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

      Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

      2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

      3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

      a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

      b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

      4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

      Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

      Với thông tin anh/chị cung cấp, máy tính bàn nhà chú của anh/chị bị chập điện thì có thể được xác định đây là thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Theo đó, chú của anh/chị sẽ phải bồi thường thiệt hại cho nhà hàng xóm trong trường hợp này. Trừ các trường hợp sau đây:

      - Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

      - Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

      Hình từ Internet

      Có thể xem máy tính bàn bị chập điện dẫn đến cháy nhà hàng xóm là trường hợp bất khả kháng để miễn bồi thường thiệt hại hay không?

      Tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

      Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

      Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

      1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

      Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

      Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;

      2. Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

      3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:

      a) Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;

      b) Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

      Với vấn đề này, cần làm rõ sự kiện bất khả kháng là như thế nào, thì như quy định trên có giải thích sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

      Cá nhân tổ chức cần phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng máy tính bàn là thiết bị dễ xảy ra cháy nổ, cần phải có các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn, các phương án, phương tiện kịp thời để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.

      Như vậy, với trường hợp của chú anh/chị thì xét thấy trong trường hợp này việc máy tính bàn chập điện không được xem là trường hợp bất khả kháng, nên chú của anh/chị vẫn phải thực hiện bồi thường thiệt hại cho nhà hàng xóm.

      Cá nhân cần đảm bảo thực hiện các nguyên tắc về bồi thường thiệt hại thế nào?

      Theo Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại đối với cá nhân như sau:

      - Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

      - Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

      - Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

      - Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

      - Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

      Như vậy, trên đây là các quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại đối với cá nhân.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn