Có thể chấm dứt việc nuôi con nuôi khi cha mẹ ruột yêu cầu không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 31/10/2022

Có thể chấm dứt việc nuôi con nuôi khi cha mẹ ruột yêu cầu không? Có được đòi lại con khi đã cho người khác làm con nuôi không? Em bé vừa chào đời nhận làm con nuôi luôn được không?

    • Có thể chấm dứt việc nuôi con nuôi khi cha mẹ ruột yêu cầu không?

      Lúc trước do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ điều kiện để nuôi dạy con nên vợ chồng tôi đã cho con đi làm con nuôi người khác. Mấy năm gần đây vợ chồng tôi làm ăn có dư tiền và muốn nhận lại con, không muốn con đi làm con nuôi người khác nữa. Vậy Ban tư vấn cho tôi hỏi cha mẹ ruột có thể yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi không? Chân thành cảm ơn!

      Trả lời:

      Theo quy định tại Điều 25 Luật nuôi con nuôi 2010 thì:

      Việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

      1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;

      2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;

      3. Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;

      4. Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này.

      Theo quy định tại Điều 26 Luật nuôi con nuôi 2010 thì tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi gồm:

      1. Cha mẹ nuôi.

      2. Con nuôi đã thành niên.

      3. Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của con nuôi.

      4. Cơ quan, tổ chức sau đây có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 25 của Luật này:

      a) Cơ quan lao động, thương binh và xã hội;

      b) Hội liên hiệp phụ nữ.

      Như bạn trình bày thì trước đây do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể nuôi con nên bạn đã cho con làm con nuôi. Hiện tại thì bạn muốn yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi. Theo quy định trên đây thì chỉ thuộc 4 trường hợp trên mới có căn cứ để yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi. Dù cha mẹ ruột có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi mà không thuộc các trường hợp nêu trên thì cũng không có căn cứ để chấm dứt. Do đó, đối với trường hợp của bạn thì bạn có thể yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi.

      Có được đòi lại con khi đã cho người khác làm con nuôi không?

      Xin chào anh chị tôi có vấn đề cần được tư vấn, chị gái tôi cách đây 05 năm có cho đưa con 6 tuổi của mình cho một gia đình không có con làm con nuôi. Do hồi đó điều kiện kinh tế khó khăn quá nên chị gái tôi mới buộc cho con cho người khác. Bây giờ điều kiện kinh tế khá hơn chị tôi muốn đòi lại con có được không? Mong ban biên tập tư vấn giúp tôi.

      Trả lời:

      Theo quy định tại Điều 24 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định:

      Hệ quả của việc nuôi con nuôi

      1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

      2. Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi.

      Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.

      3. Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.

      4. Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi."

      Như vậy, kể từ lúc cho con làm con nuôi của người khác, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đẻ với con chấm dứt và được chuyển giao cho cha mẹ nuôi. Do đó, đối với trường hợp này chị gái của bạn không thể đòi lại con đã cho người khác làm con nuôi được.

      Tuy nhiên nếu gia đình nhận con nuôi rơi vào các trường hợp theo quy định tại Điều 25 Luật nuôi con nuôi 2010 thì chị gái bạn được quyền đòi lại con đã cho, cụ thể như sau:

      Việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

      1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;

      2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;

      3. Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;

      4. Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này.

      Em bé vừa chào đời nhận làm con nuôi luôn được không?

      Tôi muốn hỏi, tôi có một cặp bạn thân tụi nó sắp sinh con đầu lòng, tôi muốn hỏi khi đứa bé vừa chào đời tôi có thể nhận nó làm con nuôi luôn được không? Mong được tư vấn.

      Trả lời:

      Căn cứ Khoản 4 Điều 21 Luật nuôi con nuôi 2010 có quy định như sau:

      4. Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.

      Như vậy căn cứ quy định của pháp luật thì trong trường hợp này bạn chỉ có thể được nhận con nuôi khi cha mẹ của đứa bé đồng ý và đứa bé phải được sinh ra ít nhất 15 ngày.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn