Cưỡng hôn nữ đồng nghiệp bị xử lý như thế nào?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 21/03/2019

Xin cho hỏi: Trường hợp người đàn ông khi đang cùng đi trong thang máy với người nữ đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn mình, ông này đã có hành vi sàm sỡ, cưỡng hôn nữ đồng nghiệp. Vậy với hành vi trên ông ấy sẽ bị xử lý như thế nào?

    • Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Các cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân đều bị coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định.

      Tùy từng trường hợp cụ thể, tính chất, mức độ của hành vi mà người có hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sụ theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

      ** Trường hợp xử phạt hành chính

      Tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định:

      "Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

      1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

      a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;"

      Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp cá nhân có hành vi thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (mức trung bình là 200.000 đồng)

      ** Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự

      Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 thì người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác.

      Tùy vào trường hợp cụ thể, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm.

      Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

      Tuy nhiên, đối với trường hợp bạn cung cấp cho chúng tôi về việc một người đàn ông khi đang cùng đi trong thang máy với người nữ đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn mình, ông này đã có hành vi sàm sỡ, cưỡng hôn nữ đồng nghiệp, theo quan điểm của chúng tôi thì ở đây chưa có dấu hiệu của tội phạm, nên người đàn ông này chỉ có thể bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.

      Theo đó: Người đàn ông có hành vi sàm sỡ, cưỡng hôn nữ đồng nghiệp trong thang máy có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (mức trung bình là 200.000 đồng).

      Ngoài ra, theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

      Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

      - Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

      - Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

      - Thiệt hại khác do luật quy định.

      Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường các thiệt hại kể trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

      Do đó: Trường hợp người đàn ông có hành vi sàm sỡ, cưỡng hôn nữ đồng nghiệp trong thang máy mà có gây ra thiệt hại thì có trách nhiệm phải bồi thường cho nữ đồng nghiệp đó theo quy định của pháp luật, đồng nghĩa người nữ đồng nghiệp đó có quyền yêu cầu người đàn ông đó bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra.

      Trường hợp không được bồi thường thì nữ đồng nghiệp có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người đàn ông đó đan cư trú yêu cầu giải quyết bồi thường để bảo vệ quyền và lợi ích hợp phám của mình đã bị xâm hại.

      Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn