Đào được cổ vật trong đất nhà mình cần phải làm gì?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 03/08/2022

Đào được cổ vật trong đất nhà mình cần phải làm gì? Tự nguyện giao nộp cổ vật được hưởng mức tiền thưởng như thế nào? 

Trong quá trình đào móng làm nhà tôi phát hiện một chiếc lư bằng đồng, sau đó tôi đã mang chiếc lư về nhà và được biết đây là một cổ vật có giá trị, sau khi định giá thì có giá trị tầm 300.000.000 đồng thì tôi cần phải cần phải làm gì? Khi tôi tự nguyện giao nộp cổ vật thì được hưởng mức tiền thưởng như thế nào? 

Mong anh chị Luật sư tư vấn. Tôi cảm ơn.

    • 1. Đào được cổ vật trong đất nhà mình cần phải làm gì?

      Theo Điều 229 Bộ luật dân sự 2015 quy định xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, cụ thể như sau:

      1. Người phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

      2. Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

      a) Tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;

      b) Tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

      Như vậy, khi bạn đào được đồ vật được xem là cổ vật nhưng không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

      2. Tự nguyện giao nộp cổ vật được hưởng mức tiền thưởng như thế nào?

      Tại điểm a, điểm b Khoản 5 Điều 30 Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định mức chi như sau:

      5. Mức chi thưởng cho tổ chức cá nhân phát hiện và giao nộp tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm và tài sản bị đánh rơi, bỏ quên

      a) Tổ chức, cá nhân được thưởng trong các trường hợp sau đây:

      - Ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia;

      - Phát hiện và cung cấp thông tin chính xác về tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên.

      b) Mức tiền thưởng đối với từng trường hợp cụ thể như sau:

      - Trường hợp tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng được tính theo phương pháp lũy thoái từng Phần, cụ thể như sau:

      + Phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 30%;

      + Phần giá trị của tài sản trên 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 15%;

      + Phần giá trị của tài sản trên 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 7%;

      + Phần giá trị của tài sản trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 1%;

      + Phần giá trị của tài sản trên 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 0,5%;

      Giá trị của tài sản để trích thưởng được xác định sau khi trừ các Khoản chi phí theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 Nghị định này.

      - Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin chính xác về tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng bằng 50% của các mức thưởng tương ứng quy định tại điểm a Khoản này.

      - Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin chính xác về tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy không phải là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng bằng 30% của các mức thưởng tương ứng quy định tại điểm a Khoản này.

      Theo đó, bạn ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản là cổ vật có giá trị 300.000.000 đồng thì khi giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tỷ lệ trích thưởng của bạn là 7%, tương đương với 21.000.000 đồng.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn