Di sản dùng vào việc thờ cúng

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 10/02/2017

Gia đình tôi là trưởng chi của dòng họ, trên đất của gia đình có nhà thờ và ruộng vườn do ông nội tôi quản lý sau đó giao lại cho ba tôi và sau này ba tôi giao cho anh cả tôi có nghĩa vụ thờ cúng, chăm lo việc từ đường. Theo tôi được biết thì việc thờ cúng từ đời này sang đời khác không có di chúc bằng văn bản mà do họp chi giao cho người trưởng quản lý. Anh cả tôi có ba người con trai thì hy sinh hai, còn lại một nhưng cháu ấy không có con trai, cũng từ đó phát sinh ai là người quản lý, chịu trách nhiệm thờ cúng tổ tiên sau này. Vậy nếu sau này anh tôi qua đời thì tôi được anh tôi giao quyền thờ cúng có được không hay cứ phải thực hiện giao cho con của anh. Xin luật sư nêu các quy định của pháp luật về di sản dùng vào việc thờ cúng?

    • Nhà nước ta luôn tôn trọng việc thờ cúng của nhân dân cho nên trong Bộ Luật dân sự cũng như các văn bản về thừa kế đều quy định người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế thực hiện việc trong nom, quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng. Bộ Luật dân sự quy định: Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần tài sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; Nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người quản lý khác để quản lý để thờ cúng. Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di dản để thờ cúng. Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Đối chiếu với quy định của pháp luật thì di sản dùng vào việc thờ cúng của gia đình anh được để lại qua nhiều thế hệ và hiện nay anh trai anh là người được giao cho quản lý di sản và thờ cúng tổ tiên. Anh và anh trai anh đều nằm trong hàng thừa kế thứ nhất khi ba anh để lại di sản đó. Nay theo suy nghĩ của gia đình thì con trai của anh cả không có con trai và muốn giao việc thờ cúng cho anh (là con thứ) cũng phù hợp với pháp luật và đạo lý, thuần phong mỹ tục của nhân dân ta, nhưng việc giao quyền đó phải được anh trai anh là người chủ quản lý di sản đó đồng ý trên cơ sở tự nguyện và có sự bàn bạc thống nhất cao trong gia đình dòng họ. Việc thờ cúng gia tiên là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta cần được phát huy, song trong thực tế có rất nhiều vụ tranh chấp cũng xuất phát từ việc giao di sản thờ cúng cho một người quản lý và nảy sinh tranh chấp, gây ra những tranh chấp phức tạp, làm mất đi tình cảm anh em trong gia đình. Vì vậy khi quyết định vấn đề này anh em anh cần bàn bạc thống nhất bằng văn bản thoả thuận để tránh những tranh chấp đáng tiếc sau này..

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn