Điều tra điều kiện kinh tế để được quyền nuôi con

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 23/11/2016

Chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Em tên là Anh Tuấn (Đồng Nai). Cho em hỏi, Tòa ra quyết định và thi hành án trong khi chưa điều tra xác thực là người đưa đơn có đầy đủ kinh tế riêng để nuôi con thì em có thể làm đơn khiếu nại không ạ? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

    • Tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định như sau:

      Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

      1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

      2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

      3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

      Theo quy định trên thì điều kiện để trực tiếp chăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con được hiểu bao gồm:

      + Điều kiện về kinh tế: Có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, có chỗ ở hợp pháp,…đảm bảo cho con được học tập, vui chơi,…

      + Điều kiện về nhân thân: Gương mẫu chấp hành chủ trương chính sách của nhà nước, không có hành vi vi phạm pháp luật,…đảm bảo cho con được phát triển trong môi trường lành mạnh, văn minh.

      Ngoài các điều kiện trên còn xem xét thêm một số điều kiện khác như về thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con,…

      Theo thông tin bạn trình bày thì Tòa ra bản án và giao con cho người đưa đơn trong khi chưa xem xét các điều kiện về kinh tế riêng.

      Tại Điều 271 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định như sau:

      Điều 271. Người có quyền kháng cáo

      Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

      Nếu bạn có căn cứ cho rằng việc Tòa ra bản án mà chưa xem xét các điều kiện trực tiếp để nuôi con và nếu bạn thuộc đối tượng theo quy định tại Điều 271 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì bạn có quyền làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa ra bản án.

      Đơn kháng cáo có các nội dung chính sau đây:

      + Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;

      + Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo;

      + Kháng cáo toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;

      + Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;

      + Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.

      Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc điều tra điều kiện kinh tế để được quyền nuôi con. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật hôn nhân và gia đình 2014 để nắm rõ quy định này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn