Giải đáp vướng mắc về xác nhận cho vay hỗ trợ nhà ở

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 10/02/2017
Một số vướng mắc khi triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở?
    • Xác nhận hộ khẩu và thực trạng nhà ở

      Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, với hộ gia đình, cá nhân khách hàng chưa có nhà ở, theo quy định thì việc xác nhận về hộ khẩu và thực trạng nhà ở của khách hàng được thực hiện tại chính quyền địa phương nơi khách hàng có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú và thực tế đang sinh sống tại đó.

      Trường hợp khách hàng chưa có nhà ở thì chính quyền địa phương vẫn xác nhận theo mẫu (Phụ lục số 02 Thông tư số 07/2013/TT-BXD) về hộ khẩu và thực trạng nhà ở và được ghi là chưa có nhà ở tại đó.

      Còn theo quy định của pháp luật về cư trú và của ngành thì đối tượng thuộc lực lượng vũ trang đang làm việc thường xuyên tại địa phương nào thì hộ khẩu do đơn vị tại địa phương đó quản lý, trường hợp không làm việc thường xuyên hoặc đang công tác ngắn hạn tại địa phương đó thì hộ khẩu được quản lý tại đơn vị làm việc thường xuyên.

      Mặt khác, theo quy định thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải thực hiện xác nhận và phải chịu trách nhiệm về xác nhận của mình. Do vậy, sẽ không xảy ra việc khách hàng thuộc lực lượng vũ trang sinh sống và làm việc thường xuyên tại địa bàn nơi có dự án muốn mua nhà nhưng hộ khẩu đang được quản lý ở tỉnh, thành phố khác.

      Việc một số UBND phường/xã, từ chối xác nhận đối với khách hàng đăng ký tạm trú, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1550/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

      Việc xác nhận các thành viên trong hộ gia đình

      Theo quy định thì việc xác nhận số thành viên trong hộ gia đình phải bao gồm tất cả những người có tên trong sổ hộ khẩu. Trong sổ hộ khẩu đã ghi rõ tên các thành viên trong hộ và có quan hệ thế nào với chủ hộ. Chính quyền phường/xã xác nhận số thành viên có tên trong sổ hộ khẩu.

      Trường hợp người vay vốn không có quan hệ ruột thịt với chủ hộ, có khó khăn về nhà ở và có nhu cầu vay mua nhà ở để ở chung thì việc xác nhận được tiến hành như trên, trường hợp mua nhà ở cho riêng mình thì để không rắc rối về sau (khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất), người đó cần phải tách hộ trước khi đứng đơn xin xác nhận.

      Trường hợp người vay vốn đang ở nhờ bố/mẹ, người thân khác và có nhu cầu vay mua nhà ở thì việc xác nhận được tiến hành như trên.

      Do nguồn vốn cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Nghị quyết số 02/NQ-CP có hạn, do đó mỗi hộ khẩu chỉ được vay hỗ trợ để mua, thuê, thuê mua 1 nhà ở xã hội hoặc thuê, mua 1 nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

      Ngoài ra, về Biểu mẫu xác nhận, trường hợp khách hàng ở trọ thì theo quy định của pháp luật về cư trú thì người ở trọ phải khai báo nơi tạm trú hoặc lưu trú của mình (địa chỉ nơi ở) với chính quyền địa phương, trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Do đó, chính quyền địa phương hoàn toàn xác nhận được đối tượng đó.

      Người đứng đơn xin xác nhận về nơi công tác hoặc hộ khẩu và thực trạng nhà ở phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu có hành vi gian dối.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    • Nghị quyết số 02/NQ-CP Tải về
    • Phụ lục số 02 Thông tư số 07/2013/TT-BXD Tải về
    • Công văn 1550/BXD-QLN Tải về
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn