Giải quyết tranh chấp hợp đồng do ảnh hưởng dịch Covid-19

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 04/05/2020

Bạn Quốc Tuấn ở Bình Dương (tuanphamxxx@gmail.com) hỏi: Các giao dịch, hợp đồng bị ảnh hưởng bới dịch Covid-19 dẫn đến một trong các bên vi phạm hợp đồng thì có phải bồi thường không? Có cách nào giải quyết không?

    • Giải quyết tranh chấp hợp đồng do ảnh hưởng dịch Covid-19
      (ảnh minh họa)
    • 1. Áp dụng theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và sau khi vi phạm.

      2. Áp dụng theo sự kiện bất khả kháng:

      Điều 156 và Điều 351 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

      - Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

      - Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

      Theo Điều 294 và Điều 296 Luật Thương mại 2005 thì:

      - Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm.

      - Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá các thời hạn sau đây:

      + Năm tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận không quá mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng;

      + Tám tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận trên mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng.

      3. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản (Điều 420 Bộ luật dân sự 2015)

      - Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:

      + Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;

      + Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;

      + Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;

      + Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;

      + Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

      - Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.

      - Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:

      + Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;

      + Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

      - Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.

      - Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

      Kết luận: Đầu tiên vẫn dựa trên nguyên tắc là thỏa thuận bao gồm thỏa thuận trong hợp đồng, và thỏa thuận sau vi phạm. Tiếp theo, nếu hợp đồng không có thỏa thuận về sự kiện bất khả kháng, cách giải quyết và sau khi xảy ra vi phạm các bên không thỏa thuận được thì bên vi phạm có thể căn cứ vào sự kiện bất khả kháng để được xác định miễn trách nhiệm hoặc căn cứ vào trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản để đàm phán lại hợp đồng.

      Trên đây là nội dung hỗ trợ.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn