Giám đốc chi nhánh được thay mặt công ty ký hợp đồng khi nào?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 03/12/2022

Giám đốc chi nhánh được thay mặt công ty ký hợp đồng khi nào? Hậu quả khi giám đốc chi nhánh tự ý thay mặt công ty ký hợp đồng ngoài phạm vi cho phép? Phạm vi mà giám đốc chi nhánh được thay mặt công ty thực hiện khi trở thành người đại diện?

Chào anh/chị, tôi là giám đốc điều hành của chi nhánh công ty. Gần đây, có một công ty khác liên hệ với tôi và ngỏ ý muốn kết hợp với một vài chi nhánh của công ty tôi (bao gồm chi nhánh của tôi) để tiến hành kinh doanh, nhưng do một số vấn đề mà không thể đến trụ sở công ty được. Vậy cho tôi hỏi, làm thế nào để tôi có thể thay mặt công ty thực hiện giao dịch trên ạ? Trong trường hợp tôi ký hợp đồng mà không xin phép công ty thì hậu quả sẽ như thế nào ạ?

Mong anh/chị tư vấn!

    • 1. Giám đốc chi nhánh được thay mặt công ty ký hợp đồng khi nào?

      Theo quy định tại Điều 85 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đại diện của pháp nhân như sau:

      Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Người đại diện của pháp nhân phải tuân theo quy định về đại diện tại Chương IX Phần này.

      Theo Điều 137 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đại diện theo pháp luật của pháp nhân như sau:

      1. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:

      a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;

      b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;

      c) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

      2. Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này.

      Điều 138 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đại diện theo ủy quyền như sau:

      1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

      2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

      3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

      Để đại diện pháp nhân thực hiện giao dịch dân sự cần phải có tư cách đại diện, người đại diện có thể là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân.

      Theo đó, để bạn có thể thay mặt công ty thực hiện giao dịch nói trên bạn phải trở thành người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc người đại diện theo ủy quyền của công ty.

      2. Hậu quả khi giám đốc chi nhánh tự ý thay mặt công ty ký hợp đồng ngoài phạm vi cho phép?

      Theo Điều 142 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện như sau:

      1. Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:

      a) Người được đại diện đã công nhận giao dịch;

      b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;

      c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện.

      2. Trường hợp giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện thì người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch.

      3. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

      4. Trường hợp người không có quyền đại diện và người đã giao dịch cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

      Theo đó, nếu bạn tự ý thực hiện giao dịch mà không có sự đồng ý của công ty trong khi bạn không có tư cách đại diện thực hiện giao dịch này thì giao dịch trên không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ với công ty bạn, bạn phải tự chịu trách nhiệm với giao dịch trên và thực hiện các nghĩa vụ nói trên.

      3. Phạm vi mà giám đốc chi nhánh được thay mặt công ty thực hiện khi trở thành người đại diện?

      Theo Điều 141 Bộ luật dân sự 2015 quy định về phạm vi đại diện của người đại diện như sau:

      1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:

      a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

      b) Điều lệ của pháp nhân;

      c) Nội dung ủy quyền;

      d) Quy định khác của pháp luật.

      2. Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

      3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

      4. Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.

      Trên đây là quy định của pháp luật về phạm vi đại diện của người đại diện.

      Theo đó, giám đốc chi nhánh chỉ được thay mặt công ty thực hiện các giao dịch dân sự trong phạm vi mà công ty cho phép, nếu không có giới hạn về phạm vi đại diện thì giám đốc công ty được thực hiện mọi giao dịch vì lợi ích của công ty , trừ trường hợp pháp luật quy định khác.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn