Hái trộm xoài nhà hàng xóm có bị xử phạt không?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 27/05/2022

Hái trộm xoài nhà hàng xóm có bị xử phạt không? Bố mẹ có phải bồi thường thiệt hại do con đi ăn trộm gây ra hay không? Em năm nay 16 tuổi, có đi ăn trộm xoài bên nhà hàng xóm và bị bắt em được biết giống xoài rất đắt tụi em hái vài ký xoài chắc tầm bốn năm trăm đồng. Người hàng xóm có dụ là tụi em sẽ bị xử phạt ạ? Cho em hỏi như vậy có đúng không ạ? Trong quá trình trèo cây, em có làm gãy một cành cây cho em hỏi là bố mẹ em có phải bồi thường thiệt hại cành cây này không? Xin cám ơn ạ!

    • Hái trộm xoài nhà hàng xóm có bị xử phạt không?

      Căn cứ Điểm a Khoản 1 và Khoản 3 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác như sau:

      1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

      a) Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;

      3. Hình thức xử phạt bổ sung:

      a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này;

      b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

      Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính như sau:

      a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

      Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;

      Theo đó, đối với hành vi trộm cắp tài sản lần đầu, không gây hậu quả nghiêm trọng về giá trị tài sản thiệt hại (dưới 02 triệu đồng), chưa bị kết án về 01 trong các tội về chiếm đoạt tài sản thì người thực hiện vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính. Như vậy, bạn có thể bị xử phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và bị tịch thu số xoài bạn trộm được.

      Bố mẹ có phải bồi thường thiệt hại do con đi ăn trộm gây ra hay không?

      Căn cứ Điều 74 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về bồi thường thiệt hại do con gây ra như sau:

      Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự.

      Đồng thời, căn cứ Khoản 2 Điều 586 Bộ luật dân sự 2015 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:

      2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

      Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

      Vậy, nếu bạn có tài sản riêng thì bạn phải bồi thường thiệt hại do bạn gây ra, còn nếu không có hoặc không đủ thì bố mẹ bạn phải bồi thường thiệt hại do bạn gây ra.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn