Hòa giải, tổ chức hòa giải các tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 11/02/2017
Đề nghị quý báo cho biết pháp luật quy định như thế nào về hòa giải, tổ chức hòa giải các tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh (Nguyễn Đức Phúc).
    • Tiến sĩ, luật sư Vũ Thái Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - trả lời:

      Hòa giải là một trong các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Việc hòa giải được quy định tại các Điều 33 đến 37 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có quyền thỏa thuận lựa chọn bên thứ ba là cá nhân hoặc tổ chức hòa giải để thực hiện việc hòa giải.

      Việc hòa giải phải thỏa mãn các nguyên tắc hòa giải được quy định tại Điều 34 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: bảo đảm khách quan, trung thực, thiện chí, không được ép buộc, lừa dối, tổ chức, cá nhân tiến hành hòa giải, các bên tham gia hòa giải phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến việc hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

      Biên bản hòa giải phải có các nội dung chính sau: a) Tổ chức, cá nhân tiến hành hòa giải. b) Các bên tham gia hòa giải. c) Nội dung hòa giải. d) Thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải. đ) Ý kiến của các bên tham gia hòa giải. e) Kết quả hòa giải. g) Thời hạn thực hiện kết quả hòa giải thành. Biên bản hòa giải phải có chữ ký của các bên tham gia hòa giải và chữ ký xác nhận của tổ chức, cá nhân tiến hành hòa giải.

      Tổ chức hòa giải các tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được quy định tại các Điều 31, 32 và 33 của Nghị định 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thành lập, giải thể tổ chức hòa giải bao gồm: cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 31). Hòa giải viên phải đáp ứng các điều kiện làm hòa giải viên được quy định tại Điều 32: Là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, có ít nhất năm (5) năm kinh nghiệm công tác. Người đang bị quản chế hành chính, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích không được làm hòa giải viên.

      Tổ chức hòa giải có trách nhiệm và quyền hạn theo quy định tại Điều 33 như sau: a) Thực hiện đúng quy định của pháp luật. b) Tôn trọng sự thỏa thuận của các bên; không được đe dọa, cưỡng ép các bên trong quá trình hòa giải. c) Bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến nội dung hòa giải và các thông tin khác của các bên tham gia hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. d) Không được lợi dụng việc hòa giải để gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hòa giải. đ) Không được hòa giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng hoặc có dấu hiệu cấu thành tội phạm.

      Theo Báo Hà Nội Mới (ngày 18/02/2012)

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn