Hướng dẫn rút tiền ngân hàng khi người thân mất đột ngột

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 17/08/2022

Vợ tôi có một sổ tiết kiệm 700 triệu đồng mang tên cô ấy, tháng trước cô ấy bị tại nạn giao thông đột ngột qua đời không để lại di chúc. Tôi mang giấy báo tử và giấy đăng ký kết hôn đến ngân hàng làm thủ tục rút tiền nhưng họ không cho nhận tiền. Giờ tôi phải làm sao mong anh chị giải đáp giúp tôi, cảm ơn anh chị rất nhiều. Nhà tôi còn bố mẹ vợ và con gái tôi.

    • 1. Hướng dẫn rút tiền ngân hàng khi người thân mất đột ngột

      Tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định người thừa kế theo pháp luật như sau:

      1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

      a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

      b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

      c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

      2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

      3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

      Như vậy, trong trường hợp này thì bố vợ, mẹ vợ, bạn và con bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng thừa kế hợp pháp. Để rút tiền trong tài khoản ngân hàng thì bạn cần làm thủ tục kê khai và mở di sản thừa kế của vợ.

      2. Thủ tục kê khai di sản thừa kế

      Thủ tục kê khai di sản thừa kế được thực hiện phòng công chứng địa phương, các giấy tờ cần xuất trình:

      - Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu, Giấy khai sinh của những người khai nhận di sản thừa kế.

      - Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế.

      - Một bản Sơ yếu lý lịch của một trong những người khai nhận di sản thừa kế (đã có xác nhận của UBND phường, xã hoặc cơ quan có thẩm quyền).

      - Giấy tờ về di sản thừa kế như: sổ tiết kiệm.

      - Giấy uỷ quyền, giấy nhường di sản thừa kế, giấy từ chối di sản thừa kế (nếu có).

      Trình tự công chứng:

      - Người yêu cầu công chứng nộp đủ các giấy tờ nêu trên cho Công chứng viên. Công chứng viên thực hiện việc niêm yết thông báo thừa kế tại UBND phường (xã) trong thời hạn 15 ngày;

      - Sau thời gian niêm yết, nếu không có khiếu nại, khiếu kiện nào (đã có xác nhận của UBND phường, xã) thì Công chứng viên lập Văn bản Khai nhận di sản thừa kế hoặc Văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế;

      - Những người khai nhận di sản thừa kế đọc Văn bản, khi đồng ý với nội dung thì ký vào văn bản trước mặt Công chứng viên;

      - Công chứng viên ký công chứng Văn bản;

      - Người yêu cầu công chứng nộp lệ phí và đóng dấu của Phòng Công chứng.

      Sau khi bạn hoàn thành thủ tục kê khai và mở di sản thừa kế của vợ thì bạn mang các giấy tờ cần thiết đến ngân hàng để yêu cầu họ làm thủ tục rút tiền trong tài khoản của vợ.

      Trên đây là hướng dẫn rút tiền ngân hàng khi người thân mất đột ngột. Để hiểu rõ hơn nội dung này bạn tham khảo thêm tại Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Công chứng 2014.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn