Không đăng ký kết hôn người cha có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 06/12/2022

Không đăng ký kết hôn người cha có Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con không? Cơ quan thực hiện thủ tục nhận cha con làm cơ sở yêu cầu cấp dưỡng cho con khi không đăng ký kết hôn ở đâu? Mức cấp dưỡng mà người cha phải cấp dưỡng cho con khi không đăng ký kết hôn là bao nhiêu?

Tôi và bạn trai lỡ có bầu với nhau, bạn trai tôi khi nghe tôi có bầu đã chối bỏ trách nhiệm với tôi. Tôi vẫn có ý định sinh đứa bé này và muốn bạn trai tôi chịu trách nhiệm cấp dưỡng cho con chúng tôi. Cho tôi hỏi tôi có thể yêu cầu bạn trai tôi cấp dưỡng khi chúng tôi không đăng ký kết hôn hay không? Xin cảm ơn!

    • 1. Không đăng ký kết hôn người cha có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con không?

      Theo quy định tại Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

      24. Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.

      Theo đó tại Khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:

      1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.

      Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

      2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.

      Như vậy, trong trường hợp bạn và bạn trai bạn không đăng ký kết hôn mà có con thì dù hai bạn không đăng ký kết hôn nhưng quyền, nghĩa vụ đối với con vẫn không khác với khi đăng ký kết hôn. Sau khi sinh con ra mà bạn muốn yêu cầu người cha cấp dưỡng thì bạn phải làm thủ tục nhận cha con theo quy định trên.

      2. Cơ quan thực hiện thủ tục nhận cha con làm cơ sở yêu cầu cấp dưỡng cho con khi không đăng ký kết hôn ở đâu?

      Thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con của Ủy ban nhân dân cấp xã được nêu tại Điều 24 Luật Hộ tịch 2014 như sau:

      Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.

      Theo Điều 43 Luật Hộ tịch 2014 quy định thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con của Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:

      Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam.

      Căn cứ Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con như sau:

      1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.

      2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.

      Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

      Theo đó, tùy vào trường hợp mà Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết thủ tục nhận cha con làm cơ sở yêu cầu cấp dưỡng cho con khi không đăng ký kết hôn theo quy định trên.

      3. Mức cấp dưỡng mà người cha phải cấp dưỡng cho con khi không đăng ký kết hôn nào bao nhiêu?

      Theo quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định mức cấp dưỡng như sau:

      1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

      2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

      Theo quy định trên, mức cấp dưỡng mà người cha phải cấp dưỡng cho con khi không đăng ký kết hôn thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn