Không đăng ký kết hôn thì ai có quyền nuôi con? Giành quyền nuôi con khi chồng có tiền án, tiền sự được không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 05/05/2022

Không đăng ký kết hôn thì ai có quyền nuôi con? Giành quyền nuôi con khi chồng có tiền án, tiền sự được không? Khi ly hôn thì ai sẽ được quyền nuôi con nhỏ?

    • Không đăng ký kết hôn thì ai có quyền nuôi con?

      Xin chào anh chị! Tôi có thắc mắc rất mong nhận được sự tư vấn của anh chị. Chị Mai và bạn trai chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 2015 nhưng không đăng ký kết hôn. Hai người có một người con chung hiện 4 tuổi. Khi chia tay, người bạn trai và gia đình đòi quyền nuôi đứa trẻ nhưng chị Mai không đồng ý. Vậy trong trường hợp này, ai có quyền nuôi đứa trẻ? Kính chúc anh chị sức khỏe và trân trọng cảm ơn!

      Trả lời:

      Theo Khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định như sau:

      Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

      Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về việc xác định cha, mẹ như sau:

      Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

      Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

      Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

      Căn cứ vào các quy định nêu trên, mặc dù chị Mai và bạn trai đã chung sống như vợ chồng từ năm 2015 nhưng không đăng ký kết hôn nên không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Do đó, con được sinh ra khi hai anh chị chưa có Giấy chứng nhận kết hôn không được xác định là con chung. Nếu bạn trai của chị Mai có chứng cứ chứng minh được mình là cha của đứa bé thì mới có quyền giành quyền nuôi con.

      Nếu người bạn trai đã làm thủ tục nhận con thì theo Khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nêu trên thì hai người sẽ thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con vì con của chị Mai đã 4 tuổi. Trường hợp không thỏa thuận được, Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.

      Như vậy, nếu bạn trai chị Mai đã làm thủ tục nhận con theo quy định của pháp luật, nhưng hai người không thỏa thuận được ai sẽ là người nuôi con sau khi chấm dứt việc chung sống, tòa án sẽ quyết định dựa trên quyền lợi của đứa trẻ. Do đó, khi việc tranh chấp quyền nuôi con của hai anh chị được giải quyết ở tòa án, để có nhiều cơ hội giành quyền nuôi con hơn thì chị Mai cần đưa ra các chứng cứ chứng minh cho việc đứa trẻ ở với chị sẽ tốt hơn khi ở với người bạn trai (ví dụ như: tình cảm dành cho con, điều kiện vật chất, công việc, thu nhập, chỗ ở… của chị).

      Giành quyền nuôi con khi chồng có tiền án, tiền sự được không?

      Bé nhà em sinh tháng 10/2015 nay bé được 4 tuổi rồi ạ. Em đang làm nhân viên văn phòng thu nhập bình quân 8 triệu/ tháng. Chồng em thì làm tự do, vợ chồng em thì đang ở chung với mẹ chồng. Quyền sở hữu đất cũng là của mẹ chồng.

      Mẫu thuẫn giữa hai vợ chồng có rất nhiều, nhưng chồng em rất hay chửi bới, nhục mạ em, và cứ có mẫu thuẫn là chồng em lại đuổi em ra khỏi nhà. Chồng em đã từng có tiền án tiền sự, từng vào trại. Cái này thì sau khi lấy chồng em mới biết, và cũng không dám hỏi lý do vì sao vào trại nữa. Tư vấn cho em giành quyền nuôi con?

      Trả lời:

      Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

      1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

      2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

      3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

      Ở đây, việc nuôi con sẽ căn cứ trên nhiều yếu tố, điều kiện tốt nhất để xác định, em có lợi thế hơn vì thu nhập em ổn định, bên cạnh đó chồng em còn từng có tiền án, tiền sự; có hành vi bạo lực với em. Người không trực tiếp nuôi con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, mức cấp dưỡng sẽ do thỏa thuận của hai bên, nếu không thì Tòa xác định mức cụ thể.

      Khi ly hôn thì ai sẽ được quyền nuôi con nhỏ?

      Vợ chồng nhà em kết hôn năm 2016 và có một con là bé gái được 28 tháng. hiện tại do hai vợ chồng không thể hoà hợp nên muốn ly hôn mà vợ chồng em ai cũng muốn được nuôi con. Chồng em làm thợ mộc còn em làm gội đầu cắt tóc tại nhà. Cho em hỏi khi ly hôn ai được quyền nuôi con ạ? Chân thành cảm ơn ạ!

      Trả lời:

      Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

      1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

      2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

      3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

      Như vậy, khi ly hôn thì về nguyên tắc con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi trên cơ sở cân nhắc nhiều yếu tố, điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Chỉ khi người mẹ không có các điều kiện trên thì mới giao con cho người cha. Ở đây, vì bạn có công việc ổn định, có thu nhập và chỗ ở nên xác suất con cho bạn nuôi là rất cao.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn