Làm sao để giao quyền định đoạt sổ tiết kiệm cho chồng sau khi chết?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 06/07/2017

Tôi muốn sau này nếu bản thân có bất trắc gì thì chỉ chồng tôi mới được rút tiền trong sổ tiết kiệm. Tôi hiện có sổ tiết kiệm ngân hàng và hàng tháng vẫn gửi tiền vào đó. Tôi không muốn ai được rút số tiền này ngoài chồng mình nếu chẳng may tôi gặp bất trắc thì phải làm những thủ tục gì? 

Nguyệt Hằng

    • Theo Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

      a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

      b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

      Về hợp đồng ủy quyền

      Điều 562 Bộ luật này quy định: Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Hợp đồng ủy quyền sẽ chấm dứt (hết hiệu lực) khi người ủy quyền hoặc người nhận ủy quyền chết.

      Như vậy, với quy định nói trên, nếu bạn ủy quyền cho chồng, chồng bạn chỉ nhân danh bạn thực hiện công việc trong phạm vi ủy quyền khi bạn còn sống. Trường hợp bạn qua đời, việc ủy quyền đương nhiên chấm dứt. Khi đó, chồng bạn sẽ không còn tư cách đại diện cho bạn để thực hiện công việc được ủy quyền trước đó. Mọi thủ tục giải quyết liên quan đến tài sản của bạn được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

      Cụ thể: Nếu bạn để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ được chia theo di chúc. Trường hợp không có di chúc hoặc di chúc được xác định không hợp pháp thì di sản sẽ được chia theo pháp luật (chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất của bạn gồm: chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của bạn). Quy định này cũng được áp dụng cho cả trường hợp phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật.

      Căn cứ các quy định của pháp luật như đã viện dẫn ở trên, việc bạn lập di chúc hoặc ủy quyền cho chồng để định đoạt toàn bộ số tiền bạn đang gửi tại ngân hàng là không phù hợp với quy định của pháp luật (trừ trường hợp bạn để lại cho bố, mẹ tài sản khác thỏa mãn được quy định tại Điều 644 nói trên).

      Tuy nhiên, để thực hiện được một phần ý nguyện của bạn, vợ chồng bạn có thể đến cơ quan công chứng để lập văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Theo đó, vợ chồng bạn có thể thỏa thuận số tiền hiện tại đang được gửi ở ngân hàng là tài sản riêng của chồng bạn. Khi bạn qua đời, căn cứ văn bản này, chồng bạn có quyền đến ngân hàng rút toàn bộ gốc và lãi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ bạn.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn